Khi da bị ngứa, nó kích động lên bộ não khiến chúng ta phải gãi, kể cả khi ngủ. Nhưng cơ chế đằng sau những cơn ngứa khó chịu này vẫn chưa được hiểu rõ, và một phát hiện mới đã khiến vấn đề càng trở nên phức tạp.
"Chất lượng cuộc sống bị những cơn ngứa làm giảm không kém gì những cơn đau", Martin Schmelz, nhà bệnh học thần kinh tại Đại học Mannheim ở Đức nói. "Tuy nhiên, bệnh nhân sẽ nhận được sự đồng cảm nhiều hơn khi bị đau so với bị ngứa".
Histamine, một protein được tạo ra từ phản ứng dị ứng, điều khiển một số dây thần kinh để truyền thông tới não. Vùng não được kích hoạt khi bị ngứa cũng tương tự với vùng não khi chúng ta bị đau. Với trường hợp này, những thuốc kháng histamine sẽ có tác dụng. Tuy nhiên, histamine không phải là hoá chất duy nhất trong cơ thể gây ra những cơn ngứa khó chịu.
Gần đây, Schmelz đã tìm thấy sự tồn tại của những dây thần kinh gây ra cảm giác ngứa theo cách khác với dây thần kinh nhạy cảm với histamine. "Đó là bằng chứng cho thấy không chỉ có một loại hệ thần kinh liên quan tới cảm giác ngứa", Schmelz nói.
Đằng sau sự ngứa
Ngứa là một triệu chứng của rất nhiều tình trạng. Những phản ứng với thực vật, động vật và kim loại đều tạo ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Thời tiết cũng đóng một vai trò, cùng với vi khuẩn, bệnh tật và vật ký sinh. Stress cũng làm tăng thêm sự ngứa.
Sau đây là một số thứ khiến chúng ta ngứa:
- Muỗi, rệp, chấy
- Cây sồi độc, cây tầm ma
- Da khô
- Đồ trang sức
- Herpes
- Stress và sự lo lắng
- Nhiễm trùng khuẩn tụ cầu
- Bệnh vẩy nến
- Cháy da
- Xà phòng và các chất tẩy rửa
Theo Hiệp hội y khoa Mỹ, mọi người thường lạm dụng xà phòng. Thông thường chỉ cần nước rửa tay thông thường hoặc nước không cũng đủ để giữ sạch da.
Năm 1660, Samuel Hafenreffer đã đưa ra định nghĩa đầu tiên về sự ngứa - "một cảm giác thèm gãi không mấy thú vị". Gãi có thể là một cách chữa trị nhanh nhưng cũng có thể làm tình trạng tồi tệ thêm. Gãi mạnh quá có thể gây chảy máu và nhiễm trùng.