Mộng xảy ra khi nửa thức nửa ngủ. Mọi điều trong giấc mơ đều là những cái ta đã từng trải, đã cảm xúc, được ghi vào óc ta. Do trong lúc ngủ, vỏ não không đủ tỉnh táo để đoán định nên những sự thật đi vào chiêm bao thường chắp vá lộn xộn, méo mó, vô nghĩa và phi lý. Một nhà bác học định nghĩa: Người chiêm bao là một người điên đang nằm ngủ.
Như vậy, không thể nói rằng giấc mộng báo trước một điềm dữ hay lành. Sự việc xảy ra và giấc mơ nếu có giống nhau thì cũng chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà thôi. Nếu bạn mơ thấy đỗ thủ khoa nhưng lười học bài thì ắt là thi trượt. Còn nếu mộng thấy “điềm gở” thì cũng không việc gì phải lo.
Sách "Hoàng Lê nhất thống chí" có kể chuyện nàng Ngọc Hoan mơ được thần ban cho một tấm gấm dệt đầu rồng. Quan hoạn Chu Xuân Hán cho là điềm sinh chúa mới, bèn vờ nhầm tên, đưa nàng vào cung chúa Trịnh Sâm. Sau đó Trịnh Tông ra đời. Dù là “con đẻ” của một điềm báo mộng cực kỳ vinh hiển, hậu vận của Tông vẫn hẩm hiu, chúa Trịnh Sâm vẫn “phế Tông lập Cán”.
Cậu bé Coxchia (nhà bác học Xioncopxki hồi nhỏ) có lần đang đêm mê hoảng do bị ám ảnh bởi một bức tranh quỷ sứ. Bà mẹ liền đến nhà lão bán chim Ianco mua bức tranh đó về đốt cháy trước mặt cậu và nói: “Những điều khủng khiếp của con đang cháy đây này! Tất cả chỉ là chuyện mà người ta bịa ra để doạ những người dốt nát, răn đe những kẻ xấu bụng đừng làm việc ác mà thôi!” Từ đó Coxchia không đọc và không tin những chuyện địa ngục nữa, cũng hết hoảng hốt vì những giấc mơ quái gở.