Đã có nhiều nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu và xác nhận khả năng thực vật có thể "nghe" được âm thanh, giống như tiếng nước chảy trong ống nước hay thậm chí tiếng côn trùng hay không.
Trong số rất nhiều nghiên cứu đó, các nhà khoa học tại ĐH. Tây Úc đã tiến hành thí nghiệm trên thực vật và phát hiện ra rằng, một số loài thực vật thực sự có thể phát hiện sóng âm trong lòng đất.
Nhà sinh vật học tiến hóa Monica Gagliano cùng các đồng nghiệp đã thử nghiệm trên hạt giống của cây đậu. Họ tiến hành gieo trồng hạt giống vào các chậu cây hình chữ Y ngược và theo dõi quá trình nảy mầm, tìm kiếm nguồn nước của cây.
Theo trang Scientific American, mỗi đầu của hình chữ Y là các thành phần khác nhau. Nếu như một đầu được nối với khay nước và có một ống nhựa chứa nước nối qua thì đầu còn lại là chỉ chứa đất. Phát hiện sau đó cho thấy, các rễ cây phát triển hướng theo đường ống nước.
Gagliano cho rằng, cây mầm đã phát hiện ra âm thanh của dòng nước và hướng rễ tới phía chứa nguồn nước đó. Thực vật có thể đã sử dụng sóng âm để xác định nguồn nước từ xa.
Chiếc ống để thử nghiệm khả năng phát hiện âm thanh của thực vật |
Nước là một hợp chất thiết yếu cho cuộc sống và các loài sinh vật và thực vật nói chung. Nước cũng tạo nên những thay đổi cơ bản trong cách thích ứng với tình trạng thiếu nước của nhiều loài sinh, thực vật. Để tìm kiếm nguồn nước và tránh bị diệt vong, nhiều loài sinh, thực vật đã tự trang bị cho mình khả năng tìm kiếm nước rất đặc biệt.
Thực vật sử dụng tính chất ẩm ướt của đất để điều hướng rễ cây phát triển tới nơi có nguồn nước. Tuy nhiên để định vị nơi chứa nước, thực vật có thể đã cảm nhận được sự rung động khi nước di chuyển trong lòng đất, ngay cả khi trong đất không hề có độ ẩm.
Các nhà khoa học tin rằng, sự xuất hiện của các âm thanh đặc biệt đã khiến rễ của thực vật bị kích thích và phản ứng theo. Thậm chí, thực vật có thể rất nhạy cảm với các âm thanh phát ra từ nhiều loài động vật.
Nhà sinh vật học Michael Schoner tại ĐH. Greifswald, Đức cho biết, giao tiếp bằng âm thanh là một chức năng rất phổ biến trên động vật, tuy nhiên chúng ta dường như đã quên đi chức năng này trên thực vật. Mặc dù vậy, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, âm thanh có tác động rất lớn tới thực vật. Nếu hiểu được cơ chế tương tác giữa âm thanh và thực vật, chúng ta có thể can thiệp hoặc ứng dụng được trong nhiều công việc.
Trước đó, trang Scientific American từng chia sẻ một nghiên cứu cho biết, tần số phát ra từ đôi cánh của một con ong có thể kích thích sự giải phóng phấn hoa trên thực vật. Ngoài ra, nhiều thí nghiệm khác cho thấy, âm thanh có thể làm thay đổi hooc-mon thực vật, ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ oxy hay thay đổi tốc độ phát triển của chúng.
Nghiên cứu trên của các nhà khoa học Úc đã được đăng tải trên tạp chí chuyên ngành Oecologia, số ra tháng 5 mới đây. Tiêu đề của nghiên cứu mang tên: "Rễ cây sử dụng âm thanh để định vị nước".