Tại sao Cuba – Mỹ quyết định bình thường hóa quan hệ?

Cuộc điện thoại giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raúl Castro, theo sau là cuộc trao đổi một tù nhân Mỹ để đổi lại ba nhân viên tình báo Cuba bị giam giữ tại Mỹ, đánh dấu thời điểm quan trọng nhất trong quan hệ song phương nhiều thập kỷ qua. Không lâu sau đó, Mỹ và Cuba thông báo rằng họ sẽ bắt đầu quá trình khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ.
Thoạt nhìn, thỏa thuận này có vẻ là một thắng lợi lớn của Cuba với việc Mỹ cuối cùng cũng phải từ bỏ nỗ lực cô lập hòn đảo cộng sản này. Thực tế có phần phức tạp hơn thế.
Thứ nhất, đây không phải là sự kết thúc lệnh cấm vận thương mại của Mỹ vốn chỉ Quốc hội mới có thể dỡ bỏ. Quan hệ giữa hai nước cũng không hoàn toàn bình thường hóa; sẽ có đại sứ quán, nhưng không có đại sứ.
Nhưng chắc chắn thỏa thuận này, do Vatican và Canada làm trung gian, là một bước tiến quan trọng. Người Mỹ không phải gốc Cuba sẽ có thể tới Havana dễ dàng hơn. Các giao dịch ngân hàng giữa hai nước cũng có thể được thực hiện. Một số vấn đề về thương mại sẽ được giải quyết. Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ loại Cuba khỏi danh sách các quốc gia mà nó cáo buộc là hỗ trợ cho khủng bố.
Về phần mình, đúng là Cuba có vẻ phải nhượng bộ rất ít. Ngoài thả tự do một người Mỹ, Alan Gross, Castro còn đồng ý thả 53 tù nhân chính trị, nới lỏng các hạn chế về mạng Internet, và cho phép các quan chức về nhân quyền của Liên Hợp Quốc và các quan sát viên đến từ Hội Chữ thập đỏ Quốc tế vào Cuba. Đây chắc chắn là những nhượng bộ, nhưng không phải lớn lao gì khi xem xét những thứ Cuba có thể đạt được khi nối lại quan hệ ngoại giao sau một nửa thế kỷ bị cô lập.
Thế nhưng Cuba đang gặp khó khăn do một yếu tố quan trọng vốn có lẽ đã thúc đẩy quyết định của Castro: sự sụt giảm gần đây của giá dầu. Một loạt các yếu tố – như mức tăng ngoạn mục trong sản xuất dầu lửa và khí đốt của Mỹ, suy thoái ở châu Âu và Nhật Bản, quyết định giữ công suất khai thác dầu của Ả-rập Xê-út, và suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và Ấn Độ – đã dẫn đến nguồn cung dư thừa. Và hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là những quốc gia mà trong lịch sử Cuba từng phụ thuộc vào để giữ nền kinh tế của mình sống sót: Nga và Venezuela.
Trong hai nước, Venezuela và những rắc rối của nó đe dọa nhiều nhất đến sự ổn định của Cuba. Nga đã thôi viện trợ đáng kể cho Cuba kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Nhưng Venezuela, dưới thời cố Tổng thống Hugo Chávez, từng là người bảo trợ quan trọng, gửi cho Cuba khoảng 100.000 thùng dầu mỗi ngày, cùng một khoản viện trợ 5-15 tỉ đô la mỗi năm.
Những khoản viện trợ này khó có thể tiếp tục. Quả thật, không phải ngẫu nhiên mà các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Cuba bắt đầu không lâu sau khi Chávez qua đời năm 2013. Chắc chắn rằng nếu không còn trợ cấp từ Venezuela, Cuba sẽ một lần nữa rơi vào suy thoái, như nó đã từng gặp phải sau khi viện trợ từ Nga suy giảm hồi đầu những năm 1990.
Điều này khiến Cuba rất dễ bị tổn thương. Cải cách kinh tế rõ ràng đã không đem lại những hiệu quả như mong muốn. Thu nhập giảm. Thiếu hụt (hàng hóa) trên diện rộng khiến lạm phát tràn lan, với nguy cơ siêu lạm phát ngày một tăng. Tỉ giá giao dịch ngoại tệ trên thị trường chợ đen chỉ cao hơn 3% so với tỉ giá chính thức một chút. Một biến động chính trị lớn đang ngày càng trở nên khả dĩ.
Trong cuốn Back Channel to Cuba: The Hidden History of Negotiations Between Washington and Havana , William LeoGrande và Peter Kornbluh đã mô tả việc Cuba liên tục từ chối đưa ra những nhượng bộ chính trị để đổi lại việc chấm dứt lệnh cấm vận hay bình thường hóa quan hệ ngoại giao như thế nào. Và quả thực, Castro đã không hề đưa ra bất cứ nhượng bộ chính trị nào trong thỏa thuận được công bố gần đây.
Nhưng những tính toán kinh tế gần đây cho thấy sự thay đổi như thế rất có thể sẽ sớm xảy ra. Khi không có một người bảo trợ giàu có và hào phóng, sự phục hồi của nền kinh tế Cuba sẽ phụ thuộc vào việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Mỹ, điều chắc chắn không thể xảy ra nếu không có những thay đổi lớn về dân chủ và quyền con người.
Khi lịch sử hiện tại được viết nên, có thể hóa ra không phải việc sử dụng vũ lực hay nỗ lực của các nhà ngoại giao, mà rốt cuộc chính sự can thiệp vô tư của những ông trùm dầu mỏ xa xôi ở Bắc Dakota và Bán đảo Ả-rập đã khiến Cuba của Castro cuối cùng phải mở cửa.
Jorge G. Castañeda là Ngoại trưởng Mexico giai đoạn 2000-2003, sau khi cùng đối thủ ý thức hệ của ông, Tổng thống Vicente Fox, tạo nên chính phủ dân chủ đầu tiên của nước này. Ông hiện là giáo sư ngành Chính trị học và ngành Nghiên cứu Mỹ Latinh và Caribe tại Đại học New York, và là tác giả của cuốn “The Latin American Left After the Cold War” và “Compañero: The Life and Death of Che Guevara.”

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »