Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 được thiết kế để không gây chú ý. Nhưng tuần trước nó lại là sản phẩm được chiêm ngưỡng nhiều nhất tại triển lãm hàng không Farnborough ở Anh, làm ngất ngây đám đông trên các khán đài của địa điểm triển lãm với những thao tác trơn tru và các kỹ năng độc đáo của mình, chẳng hạn như bay giật lùi. Nhưng ở phần buôn bán của triển lãm, những nhân vật chóp bu của ngành hàng không vũ trụ lại muốn nói về các loại tên lửa mà F-35 có thể bắn, và các loại hệ thống phòng thủ tên lửa mà rốt cuộc có thể bắn hạ chiếc máy bay này, cũng nhiều không kém những gì họ muốn nói về F35. Ba nhà chế tạo tên lửa lớn nhất của phương Tây, gồm Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ, và MBDA của châu Âu, muốn khoe ra sản phẩm mới nhất của họ trước công chúng, đặc biệt với những phái đoàn quân sự ăn mặc bảnh bao và mang theo chi phiếu trên tay đến thăm triển lãm từ khắp nơi trên thế giới.
Mặc dù chi tiêu quốc phòng toàn cầu chỉ tăng 1% so với năm ngoái – sau năm năm cắt giảm ngân sách nghiêm trọng ở nhiều quốc gia – thị trường toàn cầu cho tên lửa và các hệ thống phòng thủ tên lửa đang tăng trưởng khoảng 5% một năm. Tại sao chi tiêu cho tên lửa và các hệ thống phòng thủ tên lửa lại gia tăng nhanh như vậy?
Các cuộc xung đột vũ trang leo thang trên thế giới, và mối đe dọa dai dẳng của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu là hai nhân tố chịu một phần trách nhiệm cho hiện tượng này. Chi tiêu cho tên lửa đang tăng lên song song với những mối đe dọa quân sự mà chúng giúp xử lý, Wes Kremer, người phụ trách mảng các hệ thống phòng thủ tích hợp của Raytheon, phát biểu. NATO đã nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa mặt đất của châu Âu để chuẩn bị phòng ngừa các cuộc tấn công trên không của Nga kể từ khi Vladimir Putin sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014. Và ở châu Á và Trung Đông, một số nước đang chi tiêu cho các hệ thống để chống lại các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ các đối thủ “truyền thống” và các nhóm nổi dậy.
Nhưng các chính phủ cũng xem tên lửa như một cách để giảm thương vong dân sự trong chiến tranh. Trong khi các chiến thuật ném bom từ trên không truyền thống thường giết chết nhiều dân thường hơn là các chiến binh của kẻ thù, các tên lửa thường hiệu quả hơn trong việc đánh trúng mục tiêu của chúng mà không gây ra thiệt hại cho các mục tiêu ngoài ý muốn.
Và vì chúng có thể được phóng, ví dụ tới các mục tiêu của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, bởi những chiếc máy bay không người lái được điều khiển từ xa bởi các phi công thường ngồi tại các căn cứ trong nước của họ ở Mỹ hay Anh, nguy cơ thương vong quân sự cũng được giảm thiểu. Sự phức tạp ngày càng tăng của các loại vũ khí như vậy cũng là một nguồn lợi cho các nhà chế tạo. Giá cả và lợi nhuận của loại vũ khí này đang tăng lên cùng với sự phức tạp của chúng. Các tên lửa không chỉ còn là những quả bom biết bay. Nhiều tên lửa bây giờ chứa nhiều thành phần máy tính hơn cả thuốc nổ để giúp chúng tự động tìm thấy mục tiêu của mình.
Các nhà chế tạo vũ khí không hề ngủ quên trên vòng nguyệt quế của họ với thế hệ công nghệ hiện tại. Mỹ và Trung Quốc đang phát triển các loại tên lửa siêu thanh cạnh tranh nhau vốn có thể di chuyển với tốc độ gấp ít nhất năm lần tốc độ âm thanh, có thể đánh trúng bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới từ các căn cứ trong nước trong vòng vài giờ.
Và để tránh sự cần thiết phải mang theo đạn dược cồng kềnh trên biển và trên không, các loại vũ khí năng lượng định hướng (chạy bằng điện) trông giống như các khẩu súng laser trong loạt phim “Star Wars” đang được phát triển. Loại đầu tiên được đưa vào hoạt động trên tàu USS Ponce ở vùng Vịnh Ba Tư vào năm 2014, có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa đang bay về phía con tàu này ở cự ly gần. Nhưng các kỹ sư được cho là đang phải nỗ lực để mở rộng công suất của các loại vũ khí này, một phần do những khó khăn liên quan đến việc làm gia tăng năng lượng của vũ khí này nhằm bắn trúng các mục tiêu ở xa và những vấn đề về vận hành chúng trong điều kiện trời nhiều mây và sương mù. Các loại tên lửa thông thường vẫn sẽ có một thị trường bùng nổ trong một khoảng thời gian nữa.