Vì sao luyện nghe mãi mà bạn vẫn không tiến bộ?

Có bao giờ bạn tự hỏi: tại sao tôi nghe tiếng Anh chẳng hiểu gì? Đâu là nguyên nhân chính học hoài mà chẳng tiến bộ? Lúc này, bạn cần xem xét lại phương pháp học tiếng anh hiện tại có thực sự hiệu quả
Một thực tế mà ai cũng thấy ở học sinh Việt Nam khi học tiếng Anh đó là các bạn hoàn toàn tự tin khi phải làm bài ngữ pháp, thậm chí ngữ pháp của các bạn đôi khi còn chính xác hơn người bản xứ. Tuy nhiên, khi yêu cầu các bạn giao tiếp các bạn lại cực kì sợ. Nhiều bạn không thể nghe được, do vậy cũng không thể hiểu đối phương đang nói gì. Và vì không hiểu nên bạn không thể nào trả lời, cuối cùng đành áp dụng cách “đi khẽ cười duyên”.

Việc nghe không thể muốn giỏi là giỏi ngay được, thậm chí dù bạn có áp dụng biện pháp “cần cù bù thông minh” đi chăng nữa. Để đạt được hiệu quả, bạn phải nghe thật khoa học và tránh một số lỗi phổ biến. Các lỗi ấy là gì vậy nhỉ?

Không thường xuyên nghe tiếng Anh


Với môn Toán, nếu không thường xuyên ôn lại công thức thì bạn sẽ rất dễ quên cách làm. Với môn Văn, nếu bạn không viết thường xuyên thì rất dễ bị mất đi cảm xúc khi viết. Tiếng Anh cũng vậy, nếu bạn không nghe thường xuyên thì sẽ rất khó khăn cho bạn trong việc rèn luyện kĩ năng nghe.

Hôm nay bạn nghe 1 tiếng, ngày hôm sau lười quá nghe 5 phút, mấy ngày sau nữa thì bỏ luôn vì thấy mệt. Với cách nghe đó, bạn sẽ không bao giờ tiến bộ được. Việc nghe liên tục từ ngày này sang ngày khác sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều. Bạn được học từ mới cùng cách phát âm, trọng âm chính xác, các kiểu câu phổ biến, ngữ điệu…

Điều quan trọng bạn cần nhớ khi luyện nghe là nghe tốt tiếng Anh không thể có kết quả ngay, mà đòi hỏi sự kiên trì cùng với một quá trình tập luyện liên tục.

Nghe những bài không đúng trình độ


Mới bắt đầu nghe là một giai đoạn quan trọng, bạn cần cẩn thận lựa chọn và tham khảo những chủ đề thật sự phù hợp với mình. Bạn không thể nghe ngay những bài dành cho luyện thi TOEIC hay IELTS được.

Bạn có thể bắt đầu với những bài hát tiếng Anh dễ nghe hoặc các đoạn giao tiếp đơn giản cho người mới bắt đầu. Một mẹo nhỏ nữa là bạn có thể chọn nghe chủ đề mình thích, ví dụ như hoa quả, du lịch, trường học… Việc này sẽ giúp các bạn nghe dễ dàng và nhớ từ vựng lâu hơn. Nếu bạn nghe liên tục chủ đề du lịch trong 5 ngày thì bạn sẽ dễ dàng hiểu được bài nghe hơn là nghe 2 ngày chủ đề du lịch, 1 ngày chủ đề thể thao và 2 ngày chủ đề âm nhạc.

Thời gian nghe không hợp lí

Não chúng ta đến lúc nào đó sẽ có một giai đoạn bão hòa, tức là bạn sẽ tiếp thu thông tin nhưng không thật sự nắm bắt được. Đây là thời gian bạn nên cho não nghỉ ngơi để nạp lại năng lượng chứ không nên cố gắng nhồi nhét thêm kiến thức vào đầu.

Việc nghe cũng vậy. Lúc mới bắt đầu bạn sẽ thấy hứng thú, nghe được nhiều và tiếp thu rất tốt. Tuy nhiên, sau đó bạn sẽ cảm thấy mệt và phải cố gắng “tiêu hóa” những gì mình nghe một cách khó khăn hơn. Thời gian nghe tối thiểu trong một ngày nên là 1 tiếng, và nhiều nhất thì tùy thuộc vào các bạn. Bạn nên chia nhỏ thời gian nghe ra, mỗi lần có thể khoảng 15 phút, và đa dạng cách nghe hơn. Ví dụ buổi sáng bạn có thể tìm một clip ngắn để nghe. Buổi trưa bạn có thể mở Disney Channel và xem một vài bộ phim hoạt hình. Và trước khi đi ngủ, một vài bài hát nhẹ nhàng là lựa chọn lí tưởng để vừa luyện nghe vừa có giấc ngủ ngon.

Như vậy, bạn sẽ cảm thấy dễ tiếp thu hơn và cũng không bị mất tập trung.

Cố gắng nghe toàn bộ các từ

Tiếng Anh bản ngữ vốn rất khó để bạn có thể nghe ra hết tất cả các từ. Đặc biệt là với tiếng Anh của người Mỹ, cách nói của họ khá thoải mái, nên việc nghe và hiểu hết thật sự là “nhiệm vụ bất khả thi”. Thay vì nghe hết toàn bộ, bạn hãy tập trung vào các keywords, những từ khóa bao gồm danh từ, tính từ, động từ, trạng từ, phủ định.

Khi nói, người bản ngữ luôn nhấn mạnh vào các keywords này, và chúng chính là chìa khóa để chúng ta có thể hiểu học đang nói gì. Việc nghe hết toàn bộ câu rất khó và đôi khi không thật sự cần thiết trong giao tiếp. Bạn nên tập trung vào việc nghe các keywords này để hiểu nghĩa sơ bộ và thông tin mà người nói muốn truyền đạt nhé.

Phát âm chưa chuẩn

Bạn có thắc mắc vì sao lí do này lại xuất hiện ở đây không? Rất nhiều bạn gặp trường hợp là biết nhiều từ vựng, nhưng lại chẳng hề biết cách phát âm, hoặc biết sai. Do vậy, khi nghe tới chính từ vựng mà bạn biết, bạn hoàn toàn không thể đoán ra người ta đang nói từ gì. Có rất nhiều từ vựng thông dụng mà người Việt Nam vẫn chưa phát âm đúng như blood, chocolate, computer… Do đó khi nghe các bạn phải đoán mò rất tốn thời gian. Nhất là khi phải nghe các bài thi như TOEIC chẳng hạn, nếu bạn tốn hết thời gian để đoán từ thì chắc là sẽ chẳng còn thời gian mà làm bài luôn.

Do vậy, bạn nên tra cứu thật kĩ cách đọc của từ vựng cho thật chắc chắn. Một số từ vựng sẽ có cách phát âm khác nhau giữa người Mỹ và người Anh, bạn cũng nên lưu ý nhé.

Mải mê xem phim mà quên luôn việc học
Bạn chọn một bộ phim để luyện nghe, bạn thực hiện rất tốt trong khoảng 30 phút đầu, rồi sau đó bị cuốn luôn vào mạch phim lúc nào không hay. Khi xem phim hay các video bằng tiếng Anh, đa phần chúng ta có cảm giác sợ không nắm bắt được hết những gì nhân vật nói nên sẽ bật subtitle (phụ đề). Song, phụ đề tiếng Việt sẽ làm bạn mất phản xạ phải tập trung nghe, đôi khi bị cuốn vào nội dung phim mà quên mất mục tiêu chính là đang học tiếng Anh. Có cách nào để khắc phục không?

Bạn hãy thử áp dụng cách này nhé: Mỗi đoạn phim (30-45 phút) hay video bạn nên xem ít nhất 3 lần. Lần đầu tiên, bạn hãy bật phụ đề tiếng Việt cho thật hiểu nội dung. Sau đó tới lần thứ hai xem lại, bật phụ đề tiếng Anh để xem cách diễn đạt của người bản ngữ. Tới lần thứ 3, chỉ tập trung nghe, với các cụm từ khó hãy cố gắng đoán và đánh dấu lại rồi kiểm tra qua phụ đề tiếng Anh. Nghe lại càng nhiều đến khi thuộc cả thoại nhân vật thì càng dễ ứng dụng vào giao tiếp thực tế.a



Share this

Related Posts

Previous
Next Post »