Tại sao trẻ em Tây tự tin hơn trẻ em Việt?

Nếu đã có dịp sống và làm việc ở các nước phương Tây một thời gian, bạn sẽ nhận ra một điều rằng người phương Tây nói chung và trẻ em Tây nói riêng rất tự tin trong mọi việc: từ học hành, chơi thể thao, giao tiếp, nói chuyện giữa đám đông đến trình bày biểu đạt ý kiến cá nhân. Một điều mà nhiều du học sinh Việt Nam ở nước ngoài thú nhận là mặc dù học sinh Việt Nam rất chăm chỉ, giỏi giang nhưng thường bị lép vế so với các bạn Tây trong các hoạt động ngoại khoá hay thuyết trình mà nguyên nhân chủ yếu là do bị kém tự tin. Chúng ta hãy thử tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân.

* Ngôn ngữ:

Thoạt nghe có vẻ ngôn ngữ không liên quan gì đến sự tự tin của trẻ nhưng nếu phân tích kỹ sẽ thấy nó là nguyên nhân đầu tiên. Mọi trẻ em khi sinh ra, ngôn ngữ đầu tiên được học thường là tiếng mẹ đẻ. Ngôn ngữ, do vậy là một trong những phương tiện giao tiếp ban đầu và cơ bản nhất của trẻ và có ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành tính cách của chúng. Với tiếng Việt, khi sinh ra chúng ta đã được dạy để gọi những người thân lớn tuổi hơn là ông bà, cha mẹ, anh, chị em. Khi gặp những người lạ, cũng phải xưng hô sao cho hợp phép. Nếu ít tuổi hơn thì phải tự xưng là em, cháu, còn nếu hơn tuổi thì tự cảm thấy mình là anh, chú, bác. Chính những cách xưng hô như vậy vô hình chung đã tạo ra sự phân chia thứ bậc. Người nhỏ tuổi hơn thì bị coi là bậc dưới và phải cung phụng, nghe lời người nhiều tuổi hơn. Điều này thường phản ánh rõ nét qua các mối quan hệ gia đình và công việc. Chẳng hạn, trong công sở, cách xưng hô chú - cháu giữa xếp và nhân viên rất phổ biến. Vô hình chung, người nhân viên bị coi là bậc dưới, thế hệ con cháu và bị chi phối bởi ý kiến của người xếp bậc trên, kể cả trong những quan hệ hay vấn đề không liên quan gì đến công việc. Những sự giao tiếp phức tạp này khiến một người trẻ khi muốn biểu đạt ý kiến cá nhân cần phải xét xem có làm mếch lòng người trên hay có đúng với tư cách của người ít tuổi hơn không. Sự sợ sệt, ngại phải biểu đạt ý kiến, sợ bị người khác chê trách, đánh giá, “dìm” hay trả thù khiến cho mọi thứ bị dần dần bị ép vào những quy tắc, khuôn phép và với nhiều người, sự tự tin cũng dần bị bó hẹp lại.

Ngôn ngữ phương Tây, ngược lại không phân chia thứ bậc. Lấy tiếng Anh làm ví dụ, trẻ em có thể gọi cha mẹ thân mật là daddy hay mummy nhưng về cơ bản, mọi quan hệ đều chỉ dựa trên cách xưng hô “you" và “me". Nếu đã học tiếng Anh, bạn sẽ thấy rằng cách xưng hô này hoàn toàn không có thứ bậc. “You" là bạn còn “me" là tôi và hai ngôi này hoàn toàn bình đẳng. Chính điều này đã khiến cho mọi trẻ em khi sinh ra đều cảm thấy bình đẳng ngay cả với cha mẹ chúng. Mà sự bình đẳng chính là khởi đầu của việc tự do biểu đạt ý kiến và là nguồn gốc của sự tự tin. Trẻ em được coi như những thành viên khác trong gia đình, có chăng là chúng nhỏ tuổi hơn và được ưu ái hơn trong một số việc. Ngoài ra, chúng toàn quyền được biểu đạt ý kiến, thể hiện sở thích, nhu cầu cá nhân và được người khác tôn trọng, lắng nghe. Trong mọi tình huống giao tiếp, cách xưng hô “you - me"cũng không thay đổi ý nghĩa và làm biến đổi cách thức. Ví dụ, trong tiếng Việt, cách gọi giữa tôi và bạn có thể chuyển thành tôi - ông, mày/thằng khốn - tao …tuỳ theo ngữ cảnh của tình huống. Còn trong tiếng Anh, dù có cãi và ghét nhau như kẻ thù thì tôi, tao vẫn là “me" và ông, mày vẫn là “you”.

* Văn hoá và giáo dục:

Ngôn ngữ là một phần của văn hoá nhưng ở đây, hãy bàn đến những yếu tố khác. Văn hoá Việt Nam coi trọng sự chuẩn mực. Nếu một người làm điều sai, trái với chuẩn thì bị coi là ngoại đạo và bị người khác xoi xét, nhòm ngó, đánh giá hay “ném đá”. Sự chuẩn mực này hoặc là có nguồn gốc từ lâu đời như truyền thống hoặc là hình thành một cách tự phát, lâu dần được chấp nhận như một lề phép mà mọi người, trong đó có trẻ em, đều phải tuân theo. Chẳng hạn, con cái phải nghe lời cha mẹ, dù cha mẹ có đúng hay sai. Con cái khi lập gia đình phải được sự chấp thuận của cha mẹ về vị hôn phu của mình. Một người ăn mặc không giống phần đông những người khác, như đeo khuyên mũi, xỏ lưỡi hoặc trước kia là nhuộm tóc màu mè thì bị coi là lố bịch và những người xung quanh sẽ xì xào, xoi mói thậm chí là chửi bới. Trẻ em trong nhà, nếu làm việc gì sai sẽ bị bố mẹ đe nẹt, đánh chửi. Khi đến trường thì coi thày giáo, cô giáo là ông ba bị, có quyền "sinh tử". Không nghe lời, không làm bài tập hay nói chuyện trong lớp thì bị đe phạt, doạ nạt hay trù ẻo, bêu rếu trước cả lớp. Tất cả những điều đó, mặc dù phần nhiều có nguồn gốc từ truyền thống và văn hoá nhưng thể hiện tính bảo thủ cao và về lâu dài sẽ làm thui chột sự tự tin của một người, nhất là trẻ em.

Ngược lại, văn hoá phương Tây cởi mở, dân chủ và tự do. Trẻ em được dạy phải biết tôn trọng người khác. Mọi người đều bình đẳng và có quyền thể hiện cá tính, sở thích theo cách họ thích miễn là không làm ảnh hưởng đến người khác. Việc một người ăn mặc khác lạ (thậm chí là khoả thân) cũng sẽ chẳng hề gì, không ai xoi mói, phán xét nếu như nó không làm ảnh hưởng đên sự riêng tư, an toàn của những người xung quanh. Con cái khi đến tuổi dựng vợ gả chồng, bố mẹ chỉ mang tính chất tham khảo và không có quyền hay sự áp đặt đến quyết định của con. Sẽ rất ít khi có chuyện bố mẹ phương Tây cấm hay từ mặt con nếu lấy phải người họ không thích hay không đồng ý. Trẻ em nếu làm việc sai, trái, bố mẹ cũng không đánh chửi (ở nhiều nước phương Tây, bố mẹ đánh chửi con cái có thể sẽ bị cảnh sát gõ cửa), mà thay vào đó, họ sẽ phân tích, giảng giải cho chúng hiểu đúng sai và không áp đặt. Khi đi học, trẻ em không bị gò ép và nhồi nhét. Chúng học theo khả năng của chúng và giáo viên sẽ ân cần chỉ bảo nếu chúng học kém. Không có sự so sánh giữa các học sinh với nhau và tất nhiên sự trù ẻo thì không hề tồn tại trong văn hoá của họ. Tại các nước Bắc Âu, học sinh trong lớp không hề biết điểm số của nhau và do vậy, không tồn tại sự đố kỵ hay phân biệt giữa chúng. Học sinh giỏi và kém đều bình đẳng, giỏi không kiêu mà kém cũng không tự ti. Đó chẳng phải là gốc gác của sự tự tin hay sao?

Vậy làm sao để con bạn tự tin hơn?

Như trên đã phân tích, ngôn ngữ, văn hoá và giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành tính tự tin của trẻ. Ngôn ngữ và văn hoá là điều khó thay đổi trong một xã hội. Trẻ em khi sinh ra, tính cách của chúng đã chịu sự tác động rất lớn của những yếu tố này trong xã hội chúng đang sống. Nếu muốn thay đổi, gia đình cần phải có sự tác động lớn hơn mới có thể chi phối, lấn áp tác động của xã hội. Sau đây là những điều bạn có thể làm để giúp con:

- Tôn trọng và bình đẳng với con: Hãy coi con là một thành viên bình đẳng nhưng nhỏ tuổi trong gia đình, có quyền lợi và nghĩa vụ. Khi còn nhỏ, hãy cho chúng những điều ưu ái như yêu thương, chăm sóc nhiều hơn nhưng hãy bắt đầu thể hiện cho chúng thấy ngay từ khi chúng còn rất bé rằng chúng cũng có nghĩa vụ với mọi người trong gia đình, được tôn trọng và cần phải tôn trọng mọi người.

- Dạy con về sự tôn trọng người khác: Tôn trọng người khác cũng là tôn trọng mình. Bạn nên dạy con không nên phán xét, xoi mói, nói xấu người khác nếu họ không giống mình. Khi đó, chúng sẽ nhận lại sự tôn trọng và cũng sẽ không bị xoi mói, phán xét và chúng sẽ trở nên tự tin hơn trong mỗi hành động, việc làm của mình.

- Khuyến khích con: Mỗi khi con bạn làm một điều tốt, hãy khuyến khích chúng làm điều tương tự. Nếu chúng muốn thể hiện ý kiến cá nhân, hãy khuyến khích chúng nói ra điều chúng muốn, kể cả khi chúng sai. Thay vì đe nẹt, doạ nạt đón đầu kiểu như “tao cấm!” thì hãy lắng nghe và phân tích thế này mới là tốt, thế kia là không tốt.

- Cho con học một ngoại ngữ từ bé: Học ngoại ngữ từ bé là cách giúp chúng làm quen với một văn hoá, ngôn ngữ khác ngay từ sớm. Việc giao tiếp bằng một ngôn ngữ đề cao tính bình đẳng, không thứ bậc như tiếng Anh sẽ khuyến khích chúng nói, thảo luận, biểu đạt ý kiến và ít sợ bị sai hơn - góp phần hình thành sự tự tin.

- Dạy con “I can do it”: Một người tự tin sẽ luôn nói “I can do it” - "tôi có thể làm" thay vì né tránh, sợ sệt hay lắc đầu. Giúp con bạn hình thành thói quen này từ bé bằng việc khuyến khích chúng tự lập - thay vì để bố mẹ, ông bà giúp chúng, hãy để chúng tự làm nếu chúng có thể. Khi chúng ăn, hãy để chúng tự ăn. Đến giờ ngủ, hãy để chúng ngủ riêng và tự lên giường. Khi chúng vấp ngã, hãy để chúng tự đứng dậy và phủi quần áo thay vì bạn chạy ngay đến để dỗ giành. Những việc nhỏ nhưng nếu được làm từ bé, trẻ sẽ trở nên tự tin, hãy nói “you can do it” - “con có thể làm được” bất cứ khi nào có thể.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »