Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã xác định được cơ chế hóa học thần kinh gây ra ảnh hưởng tới hành vi và tâm sinh lý của con người trong vấn đề này.
Trong một nghiên cứu từ năm 2009, các nhà khoa học cho biết những con chuột đồng đã trở nên ủ rũ chán nản khi bị tách ra khỏi bạn tình trong vòng bốn ngày. Bên cạnh đó, mức corticosterone trong cơ thể chúng cũng tăng lên đáng kể. Corticosterone là loại hormone được tìm thấy ở các loài gặm nhấm và có chức năng giống với hormone kiểm soát stress cortisol ở người.
Nghiên cứu tương tự cũng được tiến hành trên những con chuột có quan hệ "anh chị em" và chúng đã không có bất kỳ dấu hiệu nào như trên. Điều này đồng nghĩa với việc phản ứng tâm lý tiêu cực không xảy ra ở đối tượng bị cô lập với những cá thể khác mà chỉ xảy ra khi chúng bị tách khỏi bạn tình của mình.
Sau đó, khi được cho sử dụng một loại thuốc có khả năng ngăn chặn sự giải phóng hormone corticosterone, chúng không còn ở trong trạng thái ủ rũ như trước. Từ đó, các nhà khoa học khẳng định rằng các hormone gây căng thẳng là gốc rễ của vấn đề.
Ngoài ra, theo trang tin Scientific American, nhiều nghiên cứu khác chỉ ra rằng ở những loài theo chế độ "một vợ một chồng", sống chung và giao phối làm tăng mức oxytocin và vasopressin – những hormone có tác dụng thúc đẩy cảm xúc tích cực.
Larry Young, một nhà Thần kinh học hành vi tại Trung tâm nghiên cứu động vật linh trưởng của Đại học Emory và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu trên cho biết: "Kết quả là khi chuột đồng bị tách khỏi bạn tình dù chỉ trong một thời gian ngắn, chúng có những triệu chứng giống như sau khi cai thuốc. Trong ngắn hạn, tôi nghĩ rằng cơ chế này có thể tạo ra trạng thái khó chịu và khiến các con vật muốn tìm kiếm bạn tình của mình để tiếp tục duy trì mối quan hệ".
Gần đây, trong một nghiên cứu với các cặp vợ chồng, nhà Tâm lý học xã hội Lisa Diamond của Đại học Utah đã tiến hành quan sát các triệu chứng như dễ nổi cáu và rối loạn giấc ngủ cùng với sự gia tăng cortisol ở những đối tượng trên sau khi họ bị tách khỏi bạn đời trong khoảng thời gian từ bốn ngày đến một tuần.
Nhiều người tham gia cho biết họ rất lo lắng về mối quan hệ của mình và những người này có mức độ cortisol cao nhất. Tuy nhiên, ngay cả những người không mấy căng thẳng và lo lắng trong suốt quá trình diễn ra nghiên cứu cũng có mức cortisol tăng nhẹ và trải qua sự khó chịu về thể chất.
Có thể nói, kết quả này cũng giống như kết quả từ nghiên cứu của Larry Young. Chúng đều cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc bị tách khỏi bạn đời và việc tăng mức cortisol trong cơ thể. Đồng thời, những sản phẩm thuốc có tác dụng ngăn sự giải phóng cortisol được cho là sẽ phát huy tác dụng và giúp con người vượt qua giai đoạn phải chia xa bạn đời một cách nhẹ nhàng hơn.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học tin rằng mối liên hệ của các cặp đôi được phát triển từ mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái. Các hóa chất thần kinh là oxytocin, vasopressin và dopamine đều có mặt trong cả hai mối quan hệ trên. Không những vậy, các vấn đề về hành vi trong hai mối quan hệ này cũng tương tự nhau.
Lisa Diamond giải thích: "Chúng tôi nghĩ rằng mối quan hệ cha mẹ - con cái và mối quan hệ tình cảm khác nhau về cơ bản, nhưng xét cho cùng thì chúng lại giống nhau ở chức năng tạo ra động cơ tâm lý để được ở gần, được chăm sóc lẫn nhau và có phản ứng tiêu cực khi bị tách khỏi người mà mình yêu thương".
Nghiên cứu trong tương lai sẽ tập trung vào việc sử dụng kết quả từ các nghiên cứu trên để phát triển phương pháp điều trị mới cho những người buộc phải ở xa hoặc mất đi người mình yêu quý và các rối loạn liên quan đến giao tiếp xã hội như tâm thần phân liệt và bệnh tự kỷ.