Tại sao người Nhật lại để trẻ con đi lại, vui chơi một mình mà không cần người lớn?

Trẻ con Nhật Bản có thể thoải mái đi lại, vui chơi một mình mà không cần sự giám sát của người lớn. Điều này đã trở thành một đặc trưng trong cách nuôi dạy con của họ. Và đâu là lý do?

Hồi còn bé tôi hay đọc truyện tranh Nhật Bản, nhất là Doremon. Nhìn nhóm Nobita, Xuka, Chaien, Xe Ko đi học lúc nào cũng cùng nhau mà chẳng có bóng dáng người lớn nào, tôi cũng hơi thắc mắc. Tôi tị với các nhân vật trong truyện rằng tại sao chúng mới có lớp 3, lớp 4 mà vẫn được tự đi học, còn tôi, đến tận năm lớp 9 vẫn được mẹ đưa mẹ rước mỗi ngày.
Lớn lên tôi mới hiểu ra được, thực ra đây là một phần bản sắc văn hoá của người Nhật, chứ chả phải là trong truyện trong phim. Và đến ngày hôm nay, sau bao nhiêu những câu chuyện về an nguy trẻ nhỏ, người ta lại càng bàn đến và tranh luận về chuyện trẻ em ở Nhật thường được đi học, rồi được tự đi ra ngoài một mình mà không có người lớn bên cạnh nhiều hơn.
Bởi ở xứ sở hoa anh đào, bạn có thể dễ dàng nhìn thấy một đám trẻ con đi lon ton trên đường một mình và tự mình làm mọi chuyện. Trong bộ đồng phục ngộ nghĩnh đáng yêu, chúng tự đi đến trường học, tự lên tàu điện hoặc bến xe, tự đi mua đồ ăn, tự trả tiền và nhận tiền thừa.
Trong khi nghiên cứu của Đại học Westminster đã chỉ ra rằng chỉ 25% trẻ em tiểu học phương Tây tự mình đi bộ về nhà thì ở Nhật, con số đó gần như là tuyệt đối. Nhiều khi người ta phải nói vui rằng Nhật Bản đang “thả rông" lũ trẻ con ngoài đường, để chúng phải đối mặt với nguy hiểm, nhưng tại sao người Nhật lại mạo hiểm cho con mình tuột khỏi tầm tay như vậy ngay từ lúc bé thì đó lại là một câu chuyện mang tính đầu tư con người.
“Tôi không bao giờ có thể để cho một đứa trẻ 9 tuổi tự đi tàu điện ngầm một mình ở London hay New York, nhưng Tokyo thì được" - Người ta từng nói như thế về thành phố lớn nhất nước Nhật, như một minh chứng về sự an toàn của nước Nhật, và cả sự độc lập của trẻ con nước này.
Hẳn các bạn cũng biết đến “My first errand" - Con đã lớn khôn, series truyền hình nổi tiếng của Nhật Bản đến nay đã được hơn 2 chục năm tuổi đã khắc hoạ rõ nét tính tự lập và khả năng ứng biến tài tình của trẻ em nước này trong mỗi tình huống thử thách mà chương trình đặt ra cho các em.
Tại sao người Nhật lại để trẻ con đi lại, vui chơi một mình mà không cần người lớn? - Ảnh 2.
Theo format của Con đã lớn khôn, những đứa trẻ sẽ được gia đình giao cho nhiệm vụ phải mua bán, hoặc đi lấy đồ giúp bố mẹ từ điểm A tới điểm B một mình. Đáng ngạc nhiên là các em hầu như đều có thể dễ dàng hoàn thành thử thách mà không gặp quá nhiều sự khó khăn. Tại sao chúng lại xoay sở một mình giỏi đến như vậy không phải là do bố mẹ bỏ bê để chúng phải tự mình vật lộn với môi trường xung quanh, mà đó là một cách giáo dục của người Nhật, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, chứ không phải tuổi nhỏ là ngồi một chỗ làm tướng làm quan.
Việc người Nhật để trẻ em tự mình đi học cũng thế. Có một số trường Tiểu học áp dụng phương pháp đi học theo nhóm, tức là một nhóm các bé học sinh sẽ cùng nhau đi đến trường vào buổi sáng, tất nhiên trên cung đường đi từ nhà đến trường sẽ có tình nguyện viên hay người lớn đứng giám sát, đảm bảo sự an toàn cho các bé học sinh.
Tại sao người Nhật lại để trẻ con đi lại, vui chơi một mình mà không cần người lớn? - Ảnh 3.
Mặt khác, chính ban giám hiệu các trường học cũng khuyến khích cha mẹ cho con cái mình tự đi đến trường. Việc để trẻ tự đi đến trường sẽ dạy cho bé biết về các cung đường, phương hướng xung quanh để có thể một mình xử lý khi phải đi ra bên ngoài.
Để tránh việc trẻ bị lạc hay lường trước nguy hiểm có thể xảy đến với trẻ, trên mỗi con đường ở Nhật Bản rất dễ có thể tìm thấy những ngôi nhà an toàn dành cho trẻ có gắn bảng Kodomo 110 ban. Đây thực chất là những nhà dân phối hợp với chính quyền, trường học và các gia đình trong khu vực để bảo vệ trẻ em khỏi bất cứ nguy hiểm nào. Một khi gặp phải người lạ hay có nguy cơ gặp chuyện không lành, trẻ em có thể bấm chuông xin vào nhà có gắn bảng Kodomo 110 ban để được trú ẩn và nhận sự bảo vệ từ người lớn trong nhà.
Tại sao người Nhật lại để trẻ con đi lại, vui chơi một mình mà không cần người lớn? - Ảnh 4.
Một đứa trẻ ở Nhật Bản có thể bắt đầu tự mình bươn ra ngoài đường mà không cần sự dẫn dắt của phụ huynh kể từ năm chúng mới 8 hay 9 tuổi, có những bé thậm chí còn sớm hơn rất nhiều. Tuy nhiên tàu điện Nhật Bản thường rất an toàn và luôn đúng giờ, cũng dễ để theo dõi tuyến, thế nên bọn trẻ có thể thừa sức di chuyển mà không lo bị lạc.
Vậy lý do gì để người dân Nhật Bản lại để con mình tự đi khắp thành phố mà không có người lớn hộ tống bên cạnh?
Đầu tiên, tỉ lệ tội phạm tại Nhật rất thấp, gần như thấp nhất thế giới. Cũng vì thế mà cha mẹ Nhật cũng yên tâm hơn khi để con cái ra ngoài một mình.
Thứ hai, phân nửa số cuộc hành trình tại Nhật và thông qua phương tiện giao thông công cộng như xe bus, tàu điện ngầm. Do vậy, ở Nhật rất hiếm khi xảy ra tai nạn giao thông, thêm một lý do nữa. Thêm nữa, chính phủ Nhật đã và đang thí điểm thêm nhiều tuyến tàu điện ngầm chỉ dành cho nữ giới nhằm tạo môi trường thân thiện dành cho phái yếu và ngăn chặn tình trạng yêu râu xanh quấy rối. Người dân lại thêm được một lý do nữa để tin tưởng để con cái sử dụng dịch vụ giao thông công cộng nước nhà.
Tại sao người Nhật lại để trẻ con đi lại, vui chơi một mình mà không cần người lớn? - Ảnh 5.
Không thể không nói đến một yếu tố nữa là người dân khá thân thiện với nhau. Thế nên trẻ con đi ra ngoài cũng không gặp nhiều khó khăn mấy. Cần ở đâu thì tự giác hỏi, sẽ có người giúp đỡ em.
"Trẻ em Nhật học hỏi rất nhanh từ điều đó. Mọi thành viên thuộc về cộng đồng đều được kêu gọi phải sẵn sàng giúp đỡ người khác”.
Mặt khác, không chỉ người lớn mà trẻ em Nhật Bản tuổi còn nhỏ nhưng đã có tính trách nhiệm. Ngay từ khi con bé, chúng đã được giao nhiệm vụ quét dọn các cảnh quan, khu vực công cộng. Hoạt động này theo thời gian sẽ khiến trẻ cảm nhận được niềm tự hào, tính nghe lời - hai hành trang quan trọng nhất để giúp trẻ vượt qua khó khăn trong tương lai.
Cũng từ những lý do đó mà người Nhật có thể tin tưởng mà để con mình tự do phát triển, tự đi học, tự đi ăn, tự đi chơi một mình. Họ cho rằng, tự lập ngay từ lúc bé thì sau này mới có thể trưởng thành hơn. Đây gọi là sự đầu tư đường dài về mặt con người, cũng là sự đầu tư vì tương lai đất nước.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »