Cũng chắc chắn như việc mặt trời mọc từ hướng đông, một đảng chính trị lớn của Mỹ không bao giờ có thể đề cử Donald Trump cho vị trí tổng thống. Đó là sự chắc chắn của các nhà báo chuyên phân tích “dữ liệu” và “giải thích” tại các trang như Vox, FiveThirtyEight và The New York Times, và thậm chí cả tờ The Economist. Những vị thầy bói này sẽ gặp khó khăn trong việc giải thích việc Trump hiện là người dẫn đầu đáng gờm trong số các ứng cử viên [của Đảng Cộng hòa]. Hiện tại Trump được thị trường cá cược cho là có 2/3 cơ hội để được phát biểu chấp nhận đề cử tại Đại hội Đảng Cộng hòa ở Cleveland trong mùa hè này. Đối với những người đã liếc qua kết quả một cuộc thăm dò dư luận mùa hè năm ngoái, việc Trump thắng một cách dễ dàng vị trí ứng cử viên của Đảng Cộng hòa sẽ chẳng mấy ngạc nhiên: ông đã liên tục dẫn đầu các cuộc thăm dò kể từ tháng 7/2015. Tại sao các đơn vị truyền thông được cho là nhìn xa thấy trước và dựa trên các dữ liệu thực nghiệm lại xem thường các cơ hội của Trump, và họ đã sai ở đâu?
Những người hoài nghi Trump chủ yếu dựa vào thuyết “Đảng Quyết định” (TPD – The Party Decides), một cuốn sách khoa học chính trị về bầu cử sơ bộ tổng thống Mỹ được phát hành năm 2008. Cách diễn giải dựa trên lịch sử của thuyết “Đảng Quyết định” là các đảng chính trị – được định nghĩa rộng ra là liên minh của tất cả “những người mạnh mẽ theo đuổi các chính sách” có chung tư tưởng, chứ không chỉ là các công chức được bầu và các viên chức của đảng – nói chung đã cố gắng phối hợp các nỗ lực để lựa chọn một ứng cử viên vừa đại diện tốt nhất cho những ưu tiên chung của họ, lại vừa có cơ hội giành chiến thắng lớn nhất. Trong phần lớn thế kỷ 20, việc cân nhắc [ứng cử viên của Đảng] thường diễn ra trong “những căn phòng đầy khói thuốc” tại các khách sạn trong suốt các hội nghị của đảng. Nhưng sau khi các cuộc biểu tình bạo lực làm rung chuyển hội nghị của Đảng Dân chủ năm 1968, cả hai đảng đã lập ra các cuộc bầu cử sơ bộ mang tính ràng buộc để trao quyền quyết định cho các cử tri.
Luận điểm chính của thuyết “Đảng Quyết định” là mặc dù các đảng phải miễn cưỡng chấp nhận những cải cách này, họ lo ngại rằng không thể trông cậy vào công chúng để chọn ra được các ứng cử viên khả dĩ cho cuộc tổng tuyển cử. Do đó, họ nhanh chóng bắt đầu sử dụng ảnh hưởng của mình đối với các phương tiện truyền thông, việc gây quỹ và hỗ trợ cho các chiến dịch tranh cử các chức vụ khác để hướng các cử tri tới các ứng cử viên được ưa thích của họ. Thuyết “Đảng Quyết định” chỉ ra rằng chỉ mất tám năm để cho nỗ lực này thu được thành quả: kể từ năm 1980, các tổ chức đảng đã “đánh bại cải cách” thành công và giành lại quyền kiểm soát của mình đối với quá trình này, biến các cuộc bầu cử sơ bộ thực tế trở thành một “con dấu cao su” (tức các đảng đã chi phối được kết quả của các cuộc bầu cử sơ bộ – NBT).
Các tác giả cũng phát hiện ra rằng các ứng cử viên nào giành được một tỷ lệ hậu thuẫn lớn (của đảng) vào đầu chiến dịch thì hầu như chắc chắn sẽ giành được chiến thắng, trong khi những người chỉ dẫn đầu trong việc gây quỹ, các cuộc thăm dò công luận hoặc tin tức truyền thông thì không. Dựa trên nghiên cứu này, nhiều nhà báo đã kết luận rằng các quan chức chóp bu của đảng đã hoàn toàn giành quyền kiểm soát khỏi tay công chúng, khiến cho những ứng cử viên “bên ngoài” không thể có bất cứ cơ hội nào. Các nhà báo đưa ra trường hợp của những người dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận trước đó như Michelle Bachmann và Herman Cain, những người đã ngay lập tức bị rơi xuống mặt đất, để làm bằng chứng cho thấy Trump cũng sẽ sớm thất bại như vậy.
Tuy nhiên, những dự báo như vậy đã dựa vào một luận điểm của cuốn sách mà trên thực tế không xảy ra hiện nay. Thuyết “Đảng Quyết định” nói rằng nếu một đảng quyết định lựa chọn một ứng cử viên (được tính theo sự hậu thuẫn của các quan chức đảng cho ứng viên đó), thì nó thường sẽ đạt được điều mình muốn. Trong cuộc đua của Đảng Dân chủ năm nay, ứng cử viên được yêu thích của Đảng – Hillary Clinton – đã giành được vị trí dẫn đầu an toàn, cách xa so với kẻ nổi loạn cánh tả Bernie Sanders; đây là một dữ liệu mới để củng cố cho xu hướng này. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm rằng trên thực tế đảng sẽ quyết định như vậy. Đôi khi các phe phái khác nhau của một đảng không thể đi đến thỏa hiệp, và chia sẻ sự ủng hộ của họ cho các ứng cử viên đối địch nhau. Đó là điều đã xảy ra trong Đảng Cộng hòa vào năm 2015, khi nhà lãnh đạo được đảng này hậu thuẫn là Jeb Bush chỉ nhận được một số lượng tuyên bố ủng hộ rất nhỏ so với những ứng viên dẫn đầu của đảng trong các cuộc bầu cử trước. Vì đảng không thể đưa ra quyết định, không có gì có thể chắc chắn ngăn cản được một người ngoài cuộc như Trump tiến lên để giành được vị trí ứng cử viên.