Vì sao thời tiết bất thường?

Lũ lụt ở Trung Quốc và Pakistan khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Nắng nóng hơn 400C làm nạn cháy rừng thêm nghiêm trọng khiến hàng chục người chết ở Nga. Những đợt nóng kỷ lục khác cũng được ghi nhận ở Mỹ và châu Âu. Điều gì đang xảy ra?
Số liệu từ Cơ quan Khí tượng quốc gia và đại dương Mỹ (NAOA) cho thấy Trái đất đã ấm dần lên trong ba thập kỷ qua và thập kỷ vừa rồi là nóng nhất từ trước đến nay. “Ngay cả trong điều kiện nhiệt độ bình thường, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt vẫn xảy ra. Còn khi có biến đổi khí hậu, chúng xảy ra thường xuyên hơn, ở mức độ cao hơn, nghiêm trọng hơn” - Deke Arndt, một chuyên gia của NAOA, nhận định.
El Nino và sự ấm lên toàn cầu
Tại Mỹ, theo số liệu của Trung tâm Thông tin khí tượng quốc gia ở Asheville, North Carolina, sáu tháng đầu năm 2010 là giai đoạn nóng nhất ở nước này kể từ năm 1850 khi số liệu về khí hậu được ghi nhận. Một trong những giải thích được các nhà khoa học đưa ra đó là do hiện tượng El Nino, khi một lượng nước ấm khổng lồ ở khu vực tây Thái Bình Dương nhiệt đới di chuyển về phía đông, tiếp cận vùng Nam Mỹ.
Về câu hỏi liệu sự ấm lên của Trái đất và biến đổi khí hậu có gây ra thiên tai hay không, các nhà khoa học tỏ ra thận trọng. Hiện giờ, họ nhất trí rằng biến đổi khí hậu là một khuynh hướng dài hạn, chứ không chỉ giới hạn trong những cơn bão, lũ lụt hoặc hạn hán trong một năm, nhưng việc thải carbon dioxide từ xe cộ, nhà máy và các thiết bị điện ra môi trường cũng là một nhân tố quan trọng.
“Biến đổi khí hậu do con người gây ra chắc chắn có đóng góp vào thời tiết oi bức sáu tháng đầu năm nay. Nhưng vì sự đa dạng của thiên nhiên, khó đánh giá được nguyên nhân do con người là bao nhiêu, còn El Nino là bao nhiêu” - tiến sĩ David Pearce thuộc Viện Scripps về địa chất đại dương ở California, nhận định. Cũng theo ông, những số liệu trong quá khứ cho thấy tình trạng nhiệt độ tăng cao hiện nay ở quy mô lớn hơn nhiều so với những gì mà ngay cả một đợt El Nino lớn nhất có thể tạo ra trong quá khứ.
Ở Trung Quốc, các chuyên gia khí tượng ghi nhận nước này đã trải qua 6,4 ngày trong tình trạng thời tiết cực nóng, nhiều hơn 1,9 ngày so với trung bình các năm trước. Theo thông tin từ các vệ tinh thời tiết cung cấp vào ngày 25-7, nhiệt độ mặt đất nhiều nơi ở Nội Mông, Giang Tô, Thanh Hải và Tân Cương đã lên tới 45 độ C. Những trận bão và lũ lụt kinh hoàng cũng đã đổ xuống 28 tỉnh, khu tự trị và thành phố Trung Quốc kể từ tháng 3, làm hàng ngàn người thiệt mạng và thiệt hại vật chất lên tới 181 tỉ nhân dân tệ (27 tỉ USD), theo Trung tâm Quốc gia kiểm soát lương thực và hạn hán.
“Tình trạng nóng lên toàn cầu đã khiến nhiệt độ ở bắc bán cầu gia tăng” - Ren Fumin, một giám đốc của Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA), khẳng định với Tân Hoa xã. Cũng theo CMA, lượng mưa ở các nhánh trung và hạ lưu sông Dương Tử mùa lũ năm nay đạt mức 577,85mm, cao hơn 16% so với trung bình hằng năm.
Các nguyên nhân khác
Một số nhà khoa học khác cho rằng thời tiết khắc nghiệt có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó sự ấm lên toàn cầu chỉ là một. Tiến sĩ Alexander Frolov, giám đốc Cục Khí tượng thủy văn liên bang Nga, nhận định: nhiệt độ cao có thể do sự ấm lên toàn cầu, nhưng sẽ cần thêm các phân tích thống kê khoa học nữa mới có thể khẳng định được. Ông cho rằng nếu hiện tượng này xảy ra mỗi năm, ít nhất là trong năm năm liên tiếp, thì tín hiệu cảnh báo đối với con người lúc đó mới hết sức rõ ràng.
Yoshihiro Tchibana, một giáo sư về thời tiết tại Đại học Mie, Nhật Bản, đưa ra giả thuyết khác: mùa hè nóng bức năm nay là do các vùng xoáy nghịch khổng lồ xuất hiện khoảng 10 năm một lần. Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, các đợt gió tây, thường thổi vòng quanh Trái đất theo hướng xiên từ đông nam lên tây bắc, đã bất ngờ đổi hướng khi sắp đến Bắc cực vào đầu tháng 7, gây ra đợt nóng bất thường trên diện rộng ở những vùng có vĩ độ trung bình tại Bắc bán cầu.
Dù nguyên nhân là gì đi nữa, như giải thích của các nhà khoa học, thiệt hại mà nó gây ra cho con người lại rõ ràng và khó lường. Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ ba thế giới, đã thông báo sản lượng năm nay sẽ giảm 25% vì hạn hán, dẫn tới việc giá lúa mì tăng gần 50% từ đầu tháng 6 tới nay. “Khi giá lúa mì tăng, giá các mặt hàng lương thực khác cũng sẽ tăng” - Lester Brown thuộc Viện Earth Policy dự báo. Ngoài ra, các vụ mùa lương thực ở Trung Quốc, vụ thu hoạch cam ở California (Mỹ)... cũng đang bị đe dọa vì khí hậu khắc nghiệt. Brown cho biết trong thời gian tới, khi thời tiết có thể còn trở nên đỏng đảnh hơn, sẽ có ba nguy cơ: số người thiếu ăn trên toàn cầu, giá lương thực và số các quốc gia lâm vào nghèo đói sẽ... tăng lên.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »