Với các nhà khoa học, thuật thôi miên có một sức hút đặc biệt. Một bác sĩ người Áo, Franz A. Mesmer là người đã khởi xướng các cuộc nghiên cứu khoa học về vấn đề này. Suốt thời gian dài, thuật thôi miên được người ta gọi với cái tên “mesmerism” cho đến khi từ “hypnotism” (thuật thôi miên) được James Braid (một bác sĩ Scotland) sử dụng lần đầu năm 1840. Từ này có nguồn gốc trong tiếng Hy Lạp “Hypnos” có nghĩa là trạng thái ngủ. Đó là sự ra đời của thứ “nghệ thuật” bí ẩn này.
Đừng bao giờ lầm tưởng thôi miên là một trò chơi đơn giản. Biểu hiện của người bị thôi miên là mơ màng giống như khi lâm vào tình trạng buồn ngủ. Lúc đó, những người này sẽ bị kiểm soát trạng thái tinh thần đến mức có thể thực hiện theo mọi mệnh lệnh, ám thị được đưa ra, dù cho đó là những việc không bao giờ họ dám làm. Điểm đặc biệt là sau khi tỉnh lại, họ không mảy may nhớ gì hết. Thật kì lạ phải không nào?
Cơ chế khoa học của hiện tượng này đến nay vẫn chưa thể nào lí giải chính xác được. Chỉ biết rằng, nguyên nhân chính là do bộ não con người đã hoạt động để xử lí thông tin khi tiếp nhận kích thích từ các giác quan mắt và tai. Đặc biệt, hiện tượng thôi miên này diễn ra có sự khác nhau ở mỗi người. Theo kết quả nghiên cứu tiến hành trong hàng chục năm của Tiến sĩ David Spiegel - nhà tâm lý học tại Đại học Stanford (Mỹ), 10-15% người lớn rất dễ bị thôi miên, tỉ lệ này là 80-85% với những trẻ dưới 12 tuổi (lứa tuổi mà chu trình xử lí của não chưa hoàn chỉnh), trong khi đó khoảng 20% người lớn rất khó bị thôi miên.
Ngày nay, khi mà khoa học phát triển nhanh mạnh, các phương pháp thôi miên cũng đa dạng và hiệu quả hơn. Thuật này được con người vận dụng triệt để trong các ngành khoa học khác nhau. Đơn cử như trong cuộc sống, người ta vận dụng nó như một liệu pháp để cai thuốc lá hoặc giúp con người từ bỏ những thói quen xấu. Chỉ một cuộc thôi miên nhỏ và nói với người bị thôi miên rằng “thuốc lá rất kinh khủng” thì người bị thôi miên sẽ từ bỏ căn bệnh nghiện thuốc lá, thậm chí họ còn thấy buồn nôn khi nhìn thấy thuốc lá.
Còn trong y học, các bác sĩ cho rằng thôi miên giúp xoa dịu cơn đau và chữa lành bệnh. Đặc biệt trong pháp y, người ta vận dụng phương pháp này nhằm giúp các nhân chứng nhớ lại nhận dạng của hung thủ hay những tình tiết quan trọng trong vụ án, phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên, đôi khi vì ứng dụng sai kĩ thuật nên có thể dẫn đến những kết quả không như ý khiến nhiều người còn hoài nghi về phương pháp này.