Ngoài ra, quầng thâm còn do nhiều nguyên nhân khác:
- Do di truyền: người ta nhận thấy ở trong một gia đình nếu ba mẹ bị thâm quầng mắt thì con cái có khả năng bị thâm quầng mắt rất lớn.
- Do ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời: dưới tác dụng của tia tử ngoại trong ánh nắng mặt trời, sắc tố melamin có trong da được tăng sản xuất làm mắt bị thâm quầng.
- Do dược phẩm, mỹ phẩm: có một số thuốc làm cho mắt bị thâm quầng do mạch máu bị dãn nở.
- Do thiếu ngủ: sau một đêm mất ngủ, mắt ta bị thâm quầng và hõm xuống.
- Do ăn uống thiếu dinh dưỡng.
- Do có thai: trong thời gian mang thai, do có sự thay đổi nội tiết tố nên có thể bị thâm quầng mắt, nám mặt.
- Do tuổi tác
Với trường hợp vì mất ngủ (không bị bệnh về Suy thận, Gan, Kinh nguyệt không đều, Dạ dày mãn tính hay về mũi) thì các bạn có thể làm theo cách sau đây sẽ hạn chế được tình trạng trên:
1) Thường xuyên massage vùng dưới mắt: Bạn có thể massage quanh vùng mắt bất cứ lúc nào với một ít kem dưỡng vùng mắt, dùng ngón trỏ massage qua lại giữa phần đầu và đuôi mắt một cách nhẹ nhàng, liên tục khoảng 20 lần. Tiếp tục dùng các ngón tay gõ nhẹ phần dưới mắt để giúp máu vùng này tuần hoàn, thông huyết mạch. Mỗi sáng và tối khi rửa mặt bạn cũng có thể tranh thủ massage vùng này khoảng 5 phút.
2) Mặt nạ vùng mắt: Ngoài mỹ phẩm dành cho vùng mắt, bạn có thể sử dụng những loại mặt nạ thiên nhiên sẵn có để đắp cho vùng mắt như vỏ dưa leo, vỏ dưa hấu, nha đam... giúp cho vùng mắt bổ sung nước, giúp làn da ở vùng này khỏe khoắn và mềm mại hơn. Sử dụng mật ong thoa quanh vùng mắt và massage khoảng 10 phút sau đó rửa lại bằng nước sạch hoặc dùng khoai tây thái lát mỏng đắp quanh mắt cũng giúp giảm quầng thâm hiệu quả.
3) Chế độ sinh hoạt: Việc duy trì chế độ ngủ nghỉ hợp lý, ít nhất là 8 tiếng mỗi ngày sẽ giúp bạn cải thiện quầng thâm một cách hiệu quả nhất. Thức khuya sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, mạch máu ở vùng mắt co giãn không hợp lý gây hiện tượng quầng thâm. Hạn chế bia, rượu vì đây cũng là nguyên nhân khiến cho làn da xuống cấp và vùng da mắt cũng bị ảnh hưởng.
4) Dinh dưỡng: Những thức ăn chứa nhiều vitamin A và E sẽ giúp cho đôi mắt sáng đẹp như đậu phộng, gan, trứng, cá. Bên cạnh đó, các loại rau quả như cam, cà rốt, cải xanh... cần được bổ sung hợp lý.
--------------------------
Kèm theo: Quầng thâm mắt là biểu hiện của các bệnh sau đây:
1) Suy thận
Biểu hiện: 2 mắt không có thần, xuất hiện quầng thâm đen.
Theo quan niệm y học truyền thống, quầng thâm đen do thận bị suy nhược gây ra. Thận bị suy sẽ khiến 2 mắt bị thiếu tinh khí, bị mất thần, và làm xuất hiện quầng thâm đen.
Cuộc sống sinh hoạt không điều độ trong thời gian dài, “yêu” quá độ rất dễ khiến mắt bị thâm đen.
Cách phòng tránh: Không để cơ thể quá mệt mỏi, không thức khuya, có cuộc sống sinh hoạt điều độ. Đồng thời củng cố tâm hồn, giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái, không để tâm trạng bị kích thích quá độ. Ăn nhiều các thực phẩm giàu canxi như canh xương…, hoặc các thực phẩm thanh mát như đậu xanh…
2) Bệnh gan
Biểu hiện: Vùng da trên khuôn mặt, xung quanh mắt đều sẫm màu.
Mắt có quầng thâm đen là một biểu hiện bên ngoài của bệnh gan mãn tính, đặc biệt khi chức năng gan không bình thường trong thời gian dài, hoặc ở người bị phù gan mắt càng xuất hiện quầng thâm đen lâu. Khoảng 20% người bị bệnh gan thường xuất hiện “quầng đen” ở những vùng cơ thể lộ ra ngoài như khuôn mặt, vùng quanh mắt…
Cách phòng tránh: Cách chữa trị bệnh gan mãn tính cần dựa chủ yếu vào chế độ ăn uống và tĩnh dưỡng. Cần cung cấp dưỡng chất song song với việc làm giảm gánh nặng cho gan để hồi phục lại các tế bào gan đã bị tổn thương, hồi phục lại chức năng gan. Nên nạp nhiều protein cho cơ thể, để đảm bảo cung cấp đủ cho việc hồi phục và tái sinh của các tế bào gan. Nên ăn nhiều thịt, trứng, và chế phẩm từ sữa.
Nhằm đảm bảo cho nhu cầu hàm lượng glycogen trong tế bào gan, cần cung cấp đủ lượng carbonhydrate và vitamin. Đồng thời, cần kiên trì chế độ ăn ít béo, giúp giảm nhẹ gánh nặng cho gan và có lợi cho quá trình hồi phục sức khoẻ.
3) Kinh nguyệt không đều
Biểu hiện: Xuất hiện quầng thâm mắt trong thời gian dài.
Đồi với chị em phụ nữ, việc xuất hiện quầng thâm mắt trong thưòi gian dài có thể do đau bụng kinh, hoặc kinh nguyệt không đều gây ra.
Theo Đông y, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh là do hàn khí bị ách tắc, khiến khí huyết không lưu thông. Quầng thâm mắt cũng là biểu hiện bên ngoài của việc khí huyết không lưu thông trong cơ thể. Ngoài ra, lượng kinh ra quá nhiều, hoặc chị em có hiện tượng xuất huyết tử cung cũng dễ bị quầng thâm mắt.
Cách phòng tránh: Nếu quầng thâm mắt do kinh nguyệt không đều, chị em cần điều tiết lại cơ thể.
4) Bệnh dạ dày mãn tính
Biểu hiện: Quầng thâm mắt có màu hơi sẫm, xuất hiện màu xanh dương nhạt, phạm vi tương đối lớn.
Những người bị viêm dạ dày mãn tính nếu chức năng tiêu hoá, hấp thụ bị suy giảm trong thời gian dài, dạ dày bị viêm đi viêm lại nhiều lần, quầng thâm mắt sẽ càng nặng hơn. Người bị suy nhược thần kinh, có bệnh về nội tạng cũng dễ xuất hiện quầng thâm mắt.
Cách phòng tránh: Bệnh viêm dạ dày mãn tính, ngoài việc chữa trị, quan trọng nhất là việc cân bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày. Cần có chế độ ăn uống hợp lý, kiêng ăn uống quá nhiều, quá no, cần chú ý vệ sinh thực phẩm, không để dạ dày vốn bị suy nhược lại phải chịu thêm kích thích. Khi dạ dày ổn định, quầng thâm mắt sẽ tự biến mất.
5) Vấn đề về mũi
Biểu hiện: Hắt xì nhiều khiến xuất hiện quầng thâm mắt.
Quầng thâm mắt cũng có liên quan đến các vấn đề về mũi. Nếu ngày nào ngủ dậy bạn cũng hắt xì, chảy nước mũi trong thời gian dài sẽ khiến tĩnh mạch phía dưới mắt bị chảy máu làm xuất hiện quầng thâm. Do đó, nếu mũi bạn quá mẫn cảm, dễ bị viêm sẽ rất dễ làm xuất hiện quầng thâm mắt.
Cách phòng tránh: Ngoài việc tích cực chữa bệnh viêm mũi, bạn cần tránh những nơi sương khói mù mịt, để tránh gây kích thích cho mũi. Đồng thời, không để không khí lạnh xâm nhập vào khí quản dẫn đến việc dị ứng gây hắt xì. Khi hắt xì không nên quá mạnh, tránh gây áp lực làm vỡ các mao mạch máu.