Tại sao khi ngủ hay nghiến răng?

Tại sao khi ngủ hay nghiến răng? Như thế có phải là số vất vả và sẽ chết non không?

Quan niệm như thế là mê tín đấy! Việc nghiến răng có hại chăng là nó làm mòn men răng, nhai kém, có thể viêm quanh răng, viêm tuỷ răng. Một cái hại nữa là nó gây phiền hà cho người nằm bên cạnh, phải rùng mình thao thức vì những tiếng ken két trong đêm thanh vắng.

Đây không phải là “thói xấu chơi” của hai hàm răng, vì thủ phạm chính là dây thần kinh số năm. Dây này đi từ mỏm tháp màng não cứng xuống, điều khiển hoạt động của các cơ nhai (cơ chân bướm trong, cơ chân bướm ngoài), làm cho hàm răng dưới co khít, đung đưa, cà vào hàm răng trên. Hiện tượng nghiến răng xảy ra khi vỏ não, vốn đang ức chế khi ngủ, vì lý do nào đó bỗng kích thích ở điểm chỉ huy dây thần kinh số năm.

Bạn nào hay ăn quà vặt, đêm nằm mơ tưởng đến cái kẹo, củ khoai nướng, nhất là lại thèm những của chua ê răng thì về đêm hay nghiến răng, vì điểm nghiến răng trên vỏ não bị kích thích mạnh vẫn tỉnh và hoạt động ngay cả khi bạn ngủ say thiếp. Giun sán quấy trong bụng cũng dội lên óc, kích thích nghiến răng vào ban đêm. Lâu dần, vòng cung phản xạ nghiến răng được định hình, thành một thói quen khó sửa.

Để bỏ được tật này, bạn hãy bỏ thói quen ăn quà vặt, ban ngày thì kiềm chế mình không nghiến răng. Đi khám bệnh, xét nghiệm nếu thấy ký sinh trùng đường ruột thì phải chịu khó uống thuốc tẩy.

Trong việc điều trị, thầy thuốc có thể cho thuốc an thần nhẹ (bromua, meprobamat, gacdenan), vitamin B1 hoặc chỉ định châm cứu. Có thể dùng một số loại cây nhà lá vườn làm thuốc ngủ như lá vông nấu canh, hạt sen, ngó sen… Dân gian hay cho trẻ ăn những thứ nhai mỏi miệng để thôi nghiến răng, đồng thời cũng đệm cho răng khỏi mòn khi nghiến.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »