Được giới thiệu trên Archdaily, chúng ta thấy một loạt các ngôi nhà cấp tiến. Những căn nhà này hầu hết được thiết kế bởi các KTS trẻ, thường khiến cho người đọc cảm thấy bối rối. Dường như ở Nhật Bản, mọi thứ đều có thể được chấp nhận: Thang và ban công không có sự an toàn, phòng thì mở toang ra xung quanh, hoặc cả ngôi nhà thì chẳng có lấy 1 cái cửa sổ…
Những đề xuất không cực đoan thì cũng kỳ quái này lập tức gây được sự chú ý của độc giả. Tiếp đó, các trang mạng xã hội, thế giới blog và trang ảnh được đà thi nhau giới thiệu trên toàn cầu và gia tăng sự nổi tiếng cho các KTS Nhật Bản. Còn ở ngay tại Nhật Bản, đất nước với lượng KTS đông đảo tính trên đầu người – để thăng tiến trong sự nghiệp, các nhà thiết kế trẻ phải trở nên nổi bật trong đám đông và điều đó kích thích khách hàng của họ lựa chọn những phong cách sống có biểu hiện lập dị ?!
Ngôi nhà độc đáo thì cần chủ nhà độc đáo, người mà sẵn sàng và có khả năng chi trả cho việc chấp nhận rủi ro để từ bỏ một trong các giá trị: Riêng tư, thuận tiện, hiệu quả, thẩm mỹ… Những hợp đồng thử nghiệm ở Nhật Bản lại không nhất thiết là những căn biệt thự cao cấp của các “đại gia” giầu có, rất nhiều trong số đó lại là những gia đình trung lưu nhỏ mà chúng ta không bao giờ nghĩ rằng đó sẽ là nơi thể hiện đậm đặc tính tiên phong trong thiết kế. Liệu ta có thể nghĩ rằng người Nhật luôn sẵn sàng đối mặt với những rủi ro phát sinh trong những ngôi nhà như vậy?
Ở Tây Âu, lệch khỏi chuẩn mực xã hội có thể đem tới rủi ro cho giá trị của một ngôi nhà – Bởi điều đó chắc chắn sẽ đem tới sự không thực tế hoặc sự khó chịu cho người mua nhà trong tương lai. Một quyết định thiết kế táo bạo có thể dẫn tới một rủi ro đầu tư, bởi vậy khách hàng thường kìm nén sở thích cá nhân và sự lập dị của mình để đảm bảo cho khả năng thanh khoản của căn nhà.
Một nguyên tắc logic của phương Tây đã được thừa nhận: Nhà thì phải an toàn. Khi dịch chuyển sang Nhật, nguyên tắc bất di bất dịch này thay đổi, chủ yếu là do người Nhật không nghĩ tới việc… bán nhà của mình.
Nhà ở tại Nhật Bản nhanh chóng mất giá như một món hàng tiêu dùng lâu bền như xe hơi, tủ lạnh, câu lạc bộ golf…Sau 15 năm, thường là một căn nhà sẽ mất hết các giá trị và bị phá hủy sau 30 năm. Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu Nomura, đây chính là một rào cản lớn cho kinh tế của mỗi gia đình Nhật Bản. Nói chung, việc phá hủy này tương ứng với nước Nhật hàng năm mất đi 4% trên tổng GDP đó là chưa kể tới một đống những chất thải xây dựng phải giải quyết.
Mặc dầu dân số đang ngày càng ít đi, xây dựng nhà ở vẫn ổn định với 87% thương vụ mua bán nhà tại Nhật là nhà mới (so với 11 – 34% tại Tây Âu). Điều này khiến tổng số nhà xây mới tại Nhật tương đương với Mỹ mặc dầu dân số Nhật chỉ bằng ⅓ so với Mỹ. Điều này đặt ra câu hỏi: Tại sao người Nhật lại không đánh giá cao nhà cũ của mình?
Đầu tiên, người Nhật bị ám ảnh bởi “cái mới”. Thường xuyên đối đầu với những trận động đất nghiêm trọng khiến người Nhật không muốn có những công trình lâu dài. “Vô thường” là một giá trị văn hóa và tôn giáo đã được khẳng định, điều này lý giải cho việc ngôi đền Thần đạo Ise cứ 20 năm người ta lại xây lại một lần. Quan điểm nhà dùng một lần dường như đi ngược lại những quan niệm về tài chính của phương Tây.
Trong thời gian cao điểm của việc công nghiệp hóa và xây dựng lại các thành phố bị tàn phá sau chiến tranh Thế giới lần II, những nhà thầu nhanh chóng sản sinh ra những ngôi nhà khung gỗ chất lượng thấp với giá rẻ – được xây dựng kém chất lượng, thiếu cách nhiệt và gia cố chống động đất phù hợp. Những căn nhà cũ từ thời kỳ này được cho rằng không đạt tiêu chuẩn, thậm chí là độc hại, bởi vậy mà việc đầu tư vào bảo trì và nâng cấp được cho là không cần thiết. Thay vì bảo dưỡng hay nâng cấp, hầu hết người ta chọn cách đơn giản hơn là phá bỏ chúng.
Sự sụt giảm giá trị ngôi nhà cũng từ sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng Nhật từ cuối những năm 1980. Sau đó giá đất phình ra nhanh chóng, công trình được coi là thành phần tạm thời. Khái niệm này vẫn còn tồn tại tới ngày hôm nay, mặc cho sự trì trệ của nền kinh tế và sự suy giảm dân số.
Chất lượng của một ngôi nhà điển hình hiện đại, vốn hầu hết được sản xuất từ vật liệu tiền chế, đã được cải thiện rất nhiều nhưng những tư duy cũ kỹ trước đó vẫn còn đó như một nguyên lý của thị trường. Sự suy giảm của giá trị nhà vẫn là câu thần chú của những người thẩm định nhà ở. Tuy nhiên, nếu những ngôi nhà này được bảo dưỡng và duy tu đúng cách chúng có thể cung cấp nơi ở lâu dài như ở phương Tây – nơi mà việc chuyển và mua đi bán lại nhà vài lần trong đời người là phổ biến.
Đội quân làm công ăn lương trọn đời của Nhật bản thích hưởng một công việc an toàn cả đời và hiếm khi nhảy việc. Mặc dù điều này bắt đầu thay đổi, nhưng một công việc trả lương ổn định vẫn là một điều kiện tiên quyết cho thế chấp của ngân hàng cho những khách hàng vay trả chậm trong suốt sự nghiệp làm công ăn lương của họ. Phát mãi tài sản – vốn lãi hơn nhiều là bán lại – nhưng lại không nằm trong suy nghĩ người dân bởi không một ai muốn mua một căn nhà cũ cả. Trong khi làm việc quần quật như một nô lệ để trả lãi cho khoản vay thì tài sản của người làm công ăn lương lại tiếp tục mất giá, và cuối cùng chỉ còn lại giá trị của đất (sau khi đã trừ đi chi phí phá dỡ ngôi nhà).
So với những nền kinh tế phát triển khác rất nhiều người Nhật trẻ lần đầu tiên sở hữu nhà, họ mua đất và thuê KTS để xây dựng nhà cho mình, bởi – có lẽ vì những lý do kinh tế đã nêu trên – họ xác định cam chịu sống phần còn lại đời mình trong đó.
Đó là cách mà nền kinh tế bất động sản kỳ lạ của Nhật tác động tới nền kiến trúc của quốc gia này. Khách hàng không cần phải suy ngẫm về một vị khách mua nhà tiềm năng nào trong tương lai 8-10 năm tới. Điều đó khiến họ và KTS của họ có được một sự tự do cá nhân khác hẳn.
Không có bất động sản nào phải bảo vệ, Nhật Bản, nói chung thiếu sự giám sát quy hoạch hoặc biện pháp khuyến khích yếu tố bản địa. Hàng xóm nói chung là bất lực trước đối tượng thẩm mỹ được dựng lên bên cạnh nhà mình. Đó là một lợi thế cho sự sáng tạo của KTS nhưng đồng thời nó làm giảm động cơ tập thể giúp duy trì và làm đẹp cộng đồng thông qua việc trồng cây xanh hoặc hạ ngầm đường điện trên cao.
Sự tự do xây nhà là một biểu hiện cá nhân của lối sống, đặc điểm và khát vọng cá nhân khiến cho Nhật Bản trở thành một môi trường màu mỡ cho các KTS và khách hàng cùng thử nghiệm các giới hạn trong thiết kế nhà ở.
Điều này khiến cho các KTS ở Nhật rất hiếm gặp phải các vụ kiện dân sự. Không giống như các đồng nghiệp của Âu và Mỹ vốn rất cảnh giác trước kiện tụng, các KTS Nhật ít khi phải lo lắng những cáo buộc của sự cẩu thả từ khách hàng, họ bạo dạn thử nghiệm nhiều hơn.
Giới trẻ ở Nhật Bản thường xuyên cởi mở để thử nghiệm theo ý kiến của KTS, người coi mỗi dự án là một cơ hội để thử nghiệm những ý tưởng mới và sáng tạo. Có lẽ đó là một cách để đánh giá sự ngây thơ trẻ trung dựa vào những kết quả (hậu quả?) lâu dài của những quyết định thiết kế mà với tư cách là người dùng trực tiếp họ sẽ phải chịu đựng cho đến hết cuộc đời mình.
Có vẻ hơi cực đoan mà cho rằng những gia đình Nhật Bản làm việc vất vả, tằn tiện, tiết kiệm để xây một căn nhà để chỉ nhìn thấy khoản đầu tư của mình dưới hình một ngôi nhà nhanh chóng biến mất trong vòng 15 năm tiếp theo. Theo cách nhìn này, một số ngôi nhà được thiết kế tiên phong có thể được coi như là những lời hoan hô (hay sự điên rồ) mang tính số phận tới sự vô nghĩa của quyền sở hữu nhà ở Nhật Bản. Cam chịu chấp nhận tình trạng khó khăn của mình, nhưng vẫn cần một nơi để sống và chăm sóc gia đình, có lẽ thông qua các thiết kế, những người dân Nhật đã giành lại quyền kiểm soát và lặng lẽ nổi loạn theo cách của mình.
Dẫu sao cuối cùng, họ vẫn phải phá bỏ chúng đi !
Alastair Townsend (@AlaTown) là đồng sáng lập của Tokyo Architects BAKOKO. Ông đồng thời viết về kiến trúc và nhà ở tại Nhật bản ở trang alatown.com. Ông nguyên là biên tập viên cho website ja+u (Japan Architecture+Urbanism) và là biên tập viên của JA Yearbooks 1990-2011