Mưa đá là một hiện tượng chỉ xảy ra trong điều kiện khí hậu đặc biệt, nó không phải là mưa tuyết cũng không phải dạng mưa bình thường. Khác với cảnh tượng lãng mạn khi tuyết rơi hay những cơn mưa rào cứu rỗi sau những ngày hạn hán nóng bức, mưa đá là một hiện tượng thời tiết có thể gây hại đến đời sống của con người.
Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Kích thước có thể từ 5 mm đến hàng chục cm, thường cỡ khoảng một vài cm, có dạng hình cầu không cân đối. Nước bị đóng thành viên băng nhỏ trước khi rơi xuống đất. Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào.
Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Mưa đá được lý giải do sự bất ổn định trong không khí khi 2 luồng khí nóng và lạnh tiếp xúc với nhau, ở những nơi có khí hậu nóng bức vào ban ngày và lạnh vào ban đêm sẽ dễ xảy ra hiện tượng mưa đá hơn. Sự đối lưu của không khí càng bị kích thích do xung đột giữa 2 luồng khí nóng và lạnh.
Ở tầng cao của những đám mây thường có nhiệt độ khoảng -20°C là nhiệt độ mà nước bốc hơi lên đã đóng băng, ngày càng tăng khối lượng và rơi xuống, mặc dù trên đường rơi xuống đã tan dần thành mưa nhưng trong điều kiện có 1 lớp không khí lạnh xen giữa làm các giọt nước đã tan ra đóng băng trở lại. Thêm phần hơi nước bốc lên từ dưới sẽ bị đông lại khi gặp không khí lạnh tích góp làm tăng kích thước cho viên đá và khi đủ nặng nó sẽ rơi xuống thành mưa đá.
Khi có sự thay đổi nhiệt độ từ trung bình tới thấp trên quãng đường hạt mưa rơi từ trên cao, cụ thể là khi mưa rơi qua một lớp không khí lạnh có nhiệt độ dưới nhiệt đông đặc của nước là 0°C, lớp không khí này nằm ở độ cao khác nhau sẽ có những hiện tượng mưa khác nhau. Mưa đá sẽ xảy ra khi lớp không khí đó cách mặt đất khoảng từ 900 – 1200m. Nếu ở trên độ cao ấy sẽ có tuyết rơi và dưới độ cao đó thì sẽ có “mưa băng” cũng là một hiện tượng thời tiết đặc biệt.
Thật bất ngờ khi vào các mùa nóng bức thì hiện tượng này càng dễ xảy ra, mưa hình thành từ mây tích mưa còn mưa đá thì hình thành trong điều kiện các dòng không khí lên xuống mãnh liệt mà điều kiện này thường chỉ xảy ra trong mùa nóng. Lúc này sẽ có sự chênh lệch nhiệt độ không khí đáng kể ở độ cao khoảng 4km so với mặt đất, dưới nóng trên lạnh. Phần không khí phía dưới nóng góp phần làm cho hơi nước bốc hơi nhiều, độ ẩm trong không khí tăng, phía trên thì lạnh góp phần đóng băng hơi nước sau khi ngưng tụ và tích thêm cho viên nước đá đủ nặng để rơi xuống thành mưa đá. Vào mùa lạnh thì ngược lại nên ít xảy ra mưa đá mà thay vào đó là tuyết.
Mưa đá thường kéo dài khoảng 10-20 phút trường hợp dài nhất được ghi nhận lên đến 30 phút với những viên đá trong đục xen kẽ có kích thước và hình dạng hoàn toàn khác nhau với vận tốc tương đối lớn và gây thiệt hại không nhỏ đối với đời sống sinh hoạt và sản xuất của con người thường là những người sống ở vùng núi với điệu kiện tương đối khó khăn.
DỰ BÁO MƯA ĐÁ NHƯ THẾ NÀO?
Khá khó để nhận biệt được dấu hiệu của mưa đá, theo các cơ quan khí tượng và thủy văn, ta cần phải quan sát rất nhiều để nhận biết mưa đá qua các dấu hiệu sau: ban ngày có giông mạnh, mây đen kịt trên bầu trời; ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột…
Nếu thấy trời nổi giông gió, mây đen bao phủ bầu trời gần như kín tầm mắt, rồi dông gió nổi lên mạnh, tạo ra tiếng “ù ù, ầm ầm” liên tục thì bạn hãy cảnh giác với mưa đá. Nếu tiếp đó lắc rắc vài hạt mưa rào, ta cảm thấy nhiệt độ không khí như lạnh đi rất nhanh là lúc mưa đá đã kéo đến. Ngoài ra cũng nên cảnh giác mưa đá nếu đang trong khu vực gần bão.
TÁC HẠI CỦA MƯA ĐÁ
Mưa đá rơi trong khí quyển với vận tốc rất lớn. Vận tốc rơi tăng tỷ lệ với kích thước, trọng lượng của viên đá và dao động trong khoảng 30 – 60m/s (108-216 km/h), cá biệt có thể tới 90m/s (324km/h). Với vận tốc như vậy, các cục băng rơi xuống các đồ vật hay thảm thực vật có thể để lại những dấu vết và gây ra nhưng tiếng ồn tương đương với tiếng tầu hỏa hay xe tải nặng, hoặc xe bánh xích đi qua cầu.
Những trận mưa đá kéo dài từ vài phút trở lên có thể hủy hoại đáng kể cây trồng, làm mất mùa một phần hoặc toàn phần, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, nhà cửa, phương tiện giao thông gây thương tích hoặc có làm chết gia súc, gia cầm và có khi là cả con người; đặc biệt mưa đá có ảnh hưởng đến hoạt động của hàng không dân dụng, đe dọa an toàn các chuyến bay.
Nước ta nằm trong vùng có nhiều mưa đá. Trong vòng vài ba chục năm trở lại đây, hầu như năm nào cũng xảy ra mưa đá, năm nhiều nhất có tới hàng chục lần, có lần mưa đá xảy trên diện rộng hàng ngàn km². Tây Nguyên là một trong những vùng có mưa đá xảy ra nhiều nhất ở nước ta. Ở Tây Nguyên, những vùng hay có mưa đá xuất hiện lại là những vùng canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế và dễ bị mưa đá làm hư hại như hoa, cây ăn trái, cà phê, tiêu, bông vải, rau màu, v.v. Các trận mưa đá xuất hiện trong những năm gần đây đã gây thiệt hại nặng cho hàng trăm ha cây trồng.
MƯA ĐÁ CÓ THỂ LÀM CHẾT NGƯỜI?
Mặc dù tử vong từ mưa đá lớn là rất hiếm, tuy nhiên nó có thể gây ra chấn thương đáng kể nếu bạn đang ở bên ngoài mà không có nơi trú ẩn. Cục Khí quyển Đại dương quốc gia (NOAA) ước tính rằng khoảng 24 người bị thương từ mưa đá lớn mỗi năm ở Mỹ.
Theo National Severe Storms Laboratory (NSSL), một hạt mưa đá có kích thước một quả bóng chày sẽ rơi với tốc độ tương đương một quả bóng chày thật sự được ném ra trong một giải đấu lớn, khoảng 160km/h. Đó là lý do tại sao chấn thương từ những hạt mưa đá lớn có thể rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên trường hợp tử vong được báo cáo từ mưa đá tại Hoa Kỳ là rất hiếm. Bạn phải quay lại hơn một thập kỷ để tìm thấy các trận bão chết người cuối cùng. Ngày 28.3.2000 một người giao bánh pizza đã bị giết bởi mưa đá ở Fort Worth, Texas. Đã có một vài báo cáo khác về người chết do mưa đá ở Mỹ trong một trăm năm qua, một ở Fort Collins, Colorado vào ngày 30 tháng bảy năm 1979 và một ở Lubbock, Texas vào ngày 13 Tháng Năm 1930.
Còn trận bão lớn đẫm máu nhất xảy ra vào ngày 30 tháng tư năm 1988 ở Ấn Độ khi có 246 người thiệt mạng.
Để giảm thiểu tác hại mưa đá mang lại người dân có thể cải thiện nhà cửa cơ sở hạ tầng bằng các vật liệu có khả năng chịu lực, làm mái nhà theo quy tắc vật lý để giảm thiểu lực va đập, nên xây dựng các giàn che đóng cọc cho nông phẩm cây trồng để tránh bị đá làm dập nát, dùng loại bạt che đặt biệt cho các phương tiện giao thông hay luôn đội nón bảo hiểm nếu nhận được các dấu hiệu của mưa đá…Và tốt nhất là luôn có chỗ trú ẩn trước và trong khi xảy ra mưa đá.