Một trong những hành động đầu tiên ở Nhà Trắng của Trump là giữ đúng cam kết với cử tri Mỹ bằng việc ký quyết định hành pháp để rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Quyết định này thể hiện quan điểm của Trump trong các chính sách thương mại, đồng thời đi ngược lại hàng thập kỷ nỗ lực của các tổng thống Mỹ khi muốn tìm cách giảm thiểu các rào cản thuế quan và tăng cường kết nối với kinh tế toàn cầu.
Tân tổng thống Mỹ tự tin đặt cược rằng quyết tâm đàm phán lại về các hiệp định thương mại, bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), sẽ buộc các nước khác phải chấp nhận những điều khoản mà những người tiền nhiệm của ông như Bush “cha”, Bill Clinton với NAFTA và Barack Obama với TPP, không thể đạt được.
Việc Trump rút Mỹ khỏi TPP được sự ủng hộ của nhiều nhân vật có ảnh hưởng. Trên thực tế, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, nhiều ứng viên đã chỉ trích TPP.
Ưu tiên hành động 100 ngày đầu của Tổng thống Trump Rút khỏi TPP, tăng cường an ninh biên giới, điều chỉnh lại các hiệp định thương mại... là những kế hoạch trọng tâm của Tổng thống Trump trong 100 ngày sau nhậm chức.
Reuters cho biết cựu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders hoan nghênh quyết định của Trump vì. “TPP cuối cùng đã là quá khứ. Bây giờ là thời điểm phát triển một chính sách thương mại mới để hỗ trợ các gia đình lao động chứ không chỉ là các tập đoàn đa quốc gia”, Sanders nói.
Những ảnh hưởng nào với nước Mỹ?
Trong một cuộc phỏng vấn với Zing.vn, giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) lưu ý rằng Mỹ chỉ mới ký kết chứ chưa chính thức thông qua TPP tại Quốc hội, nên việc Trump tuyên bố rút khỏi TPP chỉ là hành động mang tính biểu tượng chứ không có hậu quả ngay.
Do vậy, để tiên đoán định lượng về những cơ hội mà Mỹ đã bỏ qua từ thoả thuận với hơn 10 quốc gia trong một hiệp định có thể chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu là điều khó khăn; do số liệu do những người ủng hộ và phe chỉ trích đưa ra khác nhau.
Tuy nhiên, điều rõ ràng là các doanh nghiệp Mỹ sẽ mất đi cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng mới. Chẳng hạn, các tập đoàn sản xuất ôtô Mỹ luôn mong muốn được hưởng mức giảm đặc biệt về thuế khi bán xe sang thị trường châu Á.
Các nông trại cũng muốn giảm hoặc thậm chí là bỏ những loại thuế thương mại đối với thịt gia cầm xuất khẩu.
Các công ty dược thì đã trông đợi nhiều năm liền về cơ chế bảo vệ sở hữu trí tuệ, qua đó giảm sức ép đối đầu với những công ty sản xuất thuốc công thức giá rẻ ở châu Á.
Còn những tập đoàn công nghệ, từ Google cho đến những nhà cung cấp điện thoại di động, vận động để được giảm thiểu các quy định và tìm cách tiếp cận vào những quốc gia trong TPP.
“Quyết định này sẽ tước bỏ cơ hội để kích thích hàng Mỹ xuất khẩu, giảm các rào cản thuế quan, mở ra thị trường mới và bảo vệ các phát kiến, phát minh của Mỹ”, Thượng nghị sĩ John McCain nói trong thông báo chỉ trích quyết định của Trump.
Truyền thống của đảng Cộng hoà là ủng hộ thương mại tự do. Vì vậy, họ đang bị đặt vào một cuộc giằng xé giữa một tổng thống theo chủ nghĩa bảo hộ là người cùng đảng, và một cộng đồng doanh nghiệp cho rằng quan điểm của Trump là xa rời thế giới hiện đại.
“Tôi không thấy bất cứ lợi ích nào trong việc một quốc gia tự thu hẹp mình lại”, nghị sĩ Whip John Cornyn của phe Cộng hoà nói với CNN.
Australia ê chề, Trung Quốc được lợi nhất
Australia và Nhật là hai quốc gia nỗ lực vận động nhất để Trump xem xét lại về việc tham gia TPP. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hồi đầu tuần này còn nói ông tin rằng Tổng thống Trump sẽ hiểu giá trị của tự do thương mại, và sẽ tiếp tục trao đổi với Trump về TPP.
Tuy nhiên, Trump đã hành động dứt khoát như lời hứa lúc tranh cử.
Phản ứng trước việc này, Bộ trưởng Thương mại Australia Steve Ciobo không tuyên bố TPP đã chết nhưng phải thừa nhận nó không thể tiếp tục khi thiếu sự tham gia của Mỹ. “Thật là nỗi nhục lớn, nhưng nó không phải là điều bất ngờ”, ông Ciobo trả lời Sky News.
Edward Alden, nghiên cứu viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nói với CNN rằng ông đang tìm cách lý giải vì sao Trump cố gắng đàm phán lại NAFTA mà thẳng thừng chối bỏ TPP. “Hành động của Trump đã tạo ra một đòn bẩy to lớn cho Trung Quốc. Quy luật đầu tiên trong đàm phán là không cho không thứ gì, mà ông ấy đã đã làm khác hẳn”.
Nước được hưởng lợi nhất từ việc Mỹ rút khỏi TPP chính là Trung Quốc. Thượng nghị sĩ John McCain nói: “Đó là tín hiệu đáng lo ngại khi Mỹ từ chối tham gia trong giai đoạn mà chúng ta có thể đáp ứng. Nó sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc viết lại các luật chơi về kinh tế mà người thiệt hại sẽ là công nhân Mỹ”.
Tại châu Á, Trung Quốc đang thúc đẩy hiệp định thương mại của riêng nước này là Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với sự tham gia của 16 quốc gia bao gồm cả Nhật Bản và Australia mà không có Mỹ.
Nếu RCEP thành công, Trung Quốc sẽ ở vị thế mạnh mẽ hơn để dẫn dắt một vũ đài thương mại tự do trong tương lai. Bắc Kinh cũng hoan nghênh các nước Mỹ Latin muốn tham gia RCEP.
Ông Eric Altbach, nguyên phó trợ lý Đại diện Thương mại Mỹ phụ trách Trung Quốc, nhận định: “Mỹ và Trung Quốc bây giờ như mỗi nước nuôi một đàn ngựa riêng. Nhưng ngựa của chúng ta đang ăn cỏ chứ không còn trong cuộc đua. Việc Mỹ rút khỏi TPP là món quà to lớn dành cho Trung Quốc vì bây giờ họ có thể tự định hình là động lực thúc đẩy thương mại tự do”.