Người Việt vẫn vô tư xài Windows lậu, vì sao?

Bản quyền phần mềm là câu chuyện không mới, nhưng không bao giờ cũ. Trong đó, Windows 'lậu' truyền kỳ có vẻ như khó có điểm dừng.
Microsoft nhường bước trước người dùng Windows “Crack”?
Sau khi trình làng Windows 10, Microsoft đã có động thái để Windows 7 lậu cũng có thể được Update lên Windows 10 bản quyền miễn phí trong vòng 1 năm. Dường như Microsoft muốn củng cố thị phần của Windows tại các thị trường mới đang phát triển như châu Á, bên cạnh đó cũng muốn chứng tỏ rằng sự hoàn thiện của Windows 10 là lý do tuyệt vời để cho người dùng “từ bỏ” Windows 7 càng nhanh càng tốt.
Với việc update hoặc Crack để lên Windows 10 hoàn toàn miễn phí, người tiêu dùng cảm thấy họ không mất gì trong cuộc chơi này. Thực tế là sau mỗi phiên bản Windows, các phần mềm Crack mọc lên như nấm khiến hãng khó có thể kiểm soát được tình trạng người dùng Windows lậu. Nhưng "cuộc chơi" đang có sự chuyển dịch, Microsoft nỗ lực "trói" người dùng ngày càng phụ thuộc vào Windows nhiều hơn bằng cách liên kết với các công ty phần cứng và phần mềm để tạo ra những sản phẩm chỉ có thể hoạt động được trên Windows 10.
Hiện tại Windows 10 Home đang được bán với giá niêm yết tại Việt Nam vào khoảng 2,349 triệu đồng, với Windows 10 Pro là 4,049 triệu đồng, và có rất nhiều đại lý lớn đang phân phối Windows bản quyền tại Việt Nam như FPT Shop, Siêu thị Trần Anh, Phúc Anh, Điện máy Pico, Hanoi Computer, Máy tính Anphat...
Nhiều đại lý chưa chủ động giới thiệu Windows và Office bản quyền cho khách hàng mua máy tính.
Với Windows bản quyền bạn sẽ nhận được gì?
04.3935.1053 và 1201 1103 là hai số điện thoại Hotline túc trực 24/7 sẽ giải quyết mọi vấn đề mà bạn đang gặp phải: Hệ điều hành, các sản phẩm chạy Windows, các phần mềm và các giải pháp của Microsoft. Bạn sẽ không phải lo về rào cản ngôn ngữ nữa vì tổng đài tư vấn trao đổi với khách hàng hoàn toàn bằng tiếng Việt.
Ngoài ra bạn có thể chat trực tiếp với trợ lý ảo của Microsoft (bằng tiếng anh), mô tả lỗi mà bạn đang gặp phải và trợ lý sẽ tự trả lời để giúp bạn khắc phục vấn đề.
Khi máy gặp trục trặc với Windows, bạn có thể cầm đĩa (bao gồm cả Product key in trên bao bì) đến bất kỳ Trung tâm bảo hành (TTBH) ủy quyền nào của thiết bị đó, ví dụ như bạn dùng máy ASUS, bạn có thể yêu cầu nhân viên TTBH ASUS cài đặt lại hệ điều hành cho bạn. Với các sản phẩm được bán kèm Windows sẵn trong máy, bạn sẽ được hỗ trợ cài lại trọn đời, kể cả khi sản phẩm đã hết bảo hành.
Với sản phẩm nào mà không được bán kèm Windows bản quyền, nhân viên TTBH có quyền từ chối giúp đỡ các vấn đề liên quan đến phần mềm, và chỉ đảm bảo cho bạn về mặt phần cứng làm việc bình thường.
Nếu bạn cảm thấy Windows bản quyền là thứ gì đó quá xa xỉ, bạn có thể tham khảo những dòng máy tính được bán kèm với hệ điều hành Windows 10 để giảm bớt chi phí. Ngoài ra, Microsoft còn tung ra rất nhiều gói hỗ trợ Windows và Office hoàn toàn miễn phí đối với sinh viên của rất nhiều trường Đại học tại Việt Nam.
Học sinh của một số trường như đại học FPT, đại học Bách Khoa,… được quyền tiếp cận rất nhiều phần mềm của Microsoft hoàn toàn miễn phí thông qua tài khoản Microsoft Imagine.
Đừng vì dễ mà vi phạm 
Với những doanh nghiệp sử dụng phần mềm lậu hoặc bán máy tính cài Windows lậu cho khách hàng, theo nghị định 56/2006 NĐ-CP về luật Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp đó có thể bị xử phạt từ vài chục triệu cho đến hàng tỷ đồng, tùy vào số lượng máy lậu mà các cơ quan chức năng có thể kiểm kê được. Hiện tại chúng ta mới chỉ thấy được các vụ xử phạt hành chính với các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, còn với những doanh nghiệp nhỏ và người dùng cá nhân thì vẫn còn buông lỏng khá nhiều. Sự việc còn nhiều tồn đọng, phần lớn phụ thuộc vào ý thức sử dụng phần mềm bản quyền tại Việt Nam còn chưa cao.
Key “OEM” với cái giá thấp hơn hai mươi lần so với hàng chính hãng, hiện đang được rao bán tràn lan trên mạng.
Việc Windows 10 đang có giá 50-100,000 đồng trên mạng là do một số thành phần sử dụng thẻ tín dụng giả để mua các gói phần mềm với tài khoản Technet, MSDN (tài khoản dành cho lập trình viên), tài khoản Microsoft Imagine (dành cho học sinh sinh viên) và các tài khoản Miễn phí dành cho các tổ chức phi lợi nhuận được hưởng ưu đãi từ Microsoft (các tổ chức từ thiện, dạy học, nghiên cứu khoa học...). Một số là các gói key mua cho doanh nghiệp theo số lượng lớn, các gói key cho các hãng sản xuất máy tính… bị tuồn ra ngoài theo nhiều hình thức khác nhau.
Những hình thức kích hoạt sau được cho là hợp lệ:
- Mua Windows bản quyền tại đại lý ủy quyền.
- Nâng cấp từ hệ điều hành Windows cũ có bản quyền.
- Kích hoạt bằng máy chủ nội bộ KMS (Crack KMSpico là lợi dụng vấn đề này).
- Mua key và tự nhập Product key từ bao bì của sản phẩm.
- Trở thành Insider Preview, nhận bản thử liên tục từ Microsoft  (Fast Ring hoặc Slow Ring).
- Nhân sự của Microsoft, có tài khoản nhân viên của Microsoft.
- Active by phone, hỗ trợ kích hoạt lại khi thay đổi phần cứng (bạn phải có key bản quyền sẵn, key OEM chỉ có thể kích hoạt được một lần).
Microsoft sẽ xóa bản quyền của máy khi phát hiện thấy:
- 1 Key được đăng nhập vào nhiều máy .
- Thay đổi phần cứng (đa phần key OEM không thể kích hoạt lại do bị khóa với 1 phần cứng duy nhất).
- Phát hiện tài khoản của Technet, của MS Imagine là giả mạo.
Học cách tôn trọng người khác, là học cách tôn trọng bản thân
Ranh giới của Windows bản quyền và Windows lậu là một cái gì đó rất mong manh. Người dùng Windows lậu bằng hình thức crack thường ít nhận thức được rủi ro trong khi thấy rõ khoản tiết kiệm được rất nhiều. Còn "vô tư" chọn mua key “OEM” chính là tiếp tay làm giàu bất chính cho những kẻ làm tín dụng giả. Và đa số đều cho rằng Crack hoặc bỏ ra 100 ngàn đồng tức là bản thân mình khôn hơn người tiêu hai triệu đồng cho Windows bản quyền.
Lý do không đủ tiền mua vẫn luôn là cái cớ để nhiều người Việt tiếp tục sử dụng phần mềm lậu. Nhưng cho dù không có tiền, họ vẫn tiếp tục sử dụng Windows, bằng cách nào đó, thay vì dùng những hệ điều hành mã nguồn mở miễn phí. Và họ cho rằng những lỗi xuất hiện trên Windows phiên bản lậu của mình là do Microsoft làm sản phẩm chưa được tốt.
Văn hóa xài “Crack” đang hình thành một thói quen rất xấu tại Việt Nam, làm cho chúng ta quên đi rằng là những sản phẩm như âm nhạc, phần mềm, phim ảnh, tài liệu văn bản… đều tồn tại quyền sở hữu trí tuệ. Nó có thể làm cho người quen dùng hàng lậu sẽ mất đi sự xấu hổ khi sử dụng sản phẩm không bản quyền. Có thể vài trăm nghìn hay vài triệu đồng cho một phần mềm là cao so với mức thu nhập của nhiều người, nhưng nếu thấu hiểu những lợi ích thiết thực thì cái nhìn sẽ khác. Và cần nhớ, tiết kiệm được một ít tiền dưới hình thức không hợp pháp không có nghĩa là mình khôn hơn người người tuân thủ luật lệ.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »