Mận bắc là một loại trái cây calo thấp, bởi vậy, bạn có thể ăn mận mà không lo tăng cân.
Tháng 4 ở Việt Nam là thời điểm bắt đầu của mùa mận bắc. Giống mận bắc phổ biến ở Việt Nam thuộc chi mận mơ (Prunus), tên quốc tế thường dùng là Vietnam/Hanoi prunus salicina. Mận bắc cùng họ với hơn 430 loài cây, trong đó bao gồm mận Âu, anh đào, đào, mơ và hạnh nhân…
Là một loại trái ngon của mùa hè và có thành phần dinh dưỡng đa dạng, mận bắc đem đến cho bạn một số lợi ích sức khỏe rất tuyệt vời. Mặc dù vậy, các chuyên gia dinh dưỡng lưu ý mọi người không nên vì thế mà ăn quá nhiều mận.
Loại trái cây này có khả năng gây hại cho cơ thể trong một số trường hợp.
Giá trị dinh dưỡng
Mận là một loại quả nhỏ, hạt cứng. Cảm giác ăn giòn, có vị ngọt hơi chua và xen lẫn một chút vị chát. Những loại trái cây này thường không chứa cholesterol, natri và rất ít chất béo. Mận bắc là một loại trái cây calo thấp, bởi vậy, bạn có thể ăn mận mà không lo tăng cân.
Trong 100g loại quả này chỉ chứa khoảng 20 Calo. Và bạn có thể dễ dàng đốt cháy 20 Calo với chỉ 1 phút đi bộ nhanh.
Lợi ích sức khỏe của mận
Có lẽ lợi ích sức khỏe lớn nhất của mận đến từ các chất chống oxy hóa như các hợp chất phenolic (polyphenol). Lượng polyphenol của quả mận đỏ còn nhiều hơn ở mận vàng (hay còn gọi là mận trắng), đặc biệt ở phần vỏ.
Những chất chống oxy hóa làm sạch gốc tự do xâm nhập vào cơ thể thông qua thói quen ăn uống kém lành mạnh, độc tố từ môi trường như ô nhiễm không khí, nguồn nước, BPA trong sản phẩm nhựa, chất bảo quản tổng hợp…
Các gốc tự do là nguồn gốc gây ra tổn thương tế bào, cơ quan nội tạng và thậm chí là ung thư. Nhiều hợp chất có trong mận được tìm thấy có tác dụng trung hòa các gốc oxy hóa (gốc tự do) này, và bảo vệ cơ thể khỏi các tác hại hàng loạt do chúng gây ra.
Mận chứa ít calo, nhưng nhiều vitamin A, beta carotene, đặc biệt lutein là dạng dễ hấp thu vào cơ thể người, do đó rất tốt cho mắt và da.
Vitamin C với hàm lượng 3g/100g mận cũng là một thành phần dinh dưỡng đáng chú ý bởi vitamin C, ngoài tác dụng chống oxy hóa còn có rất nhiều tác dụng quan trọng khác trong cơ thể như tăng sức bền thành mạch, chống xuất huyết, tăng tạo collagen giúp đẹp da…
Ngoài ra, một sự đáng chú ý trong thành phần dinh dưỡng của mận bắc là hàm lượng kali. Mỗi một quả mận bắc chứa khoảng 26mg kali. Mặc dù không quá nhiều, kali trong mận giúp kiểm soát huyết áp, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Tại sao không nên ăn quá nhiều cùng lúc?
Vị chua của mận xuất phát từ hàm lượng axit có trong thịt quả. Hàm lượng axit cao trong mận có thể làm hư hại men răng khi ăn quá nhiều. Vị chua cũng kích thích tiết nước bọt và acid của dạ dày, vì thế không nên ăn mận khi đói và người bị bệnh dạ dày cần đặc biệt lưu ý điều này.
Mặc dù nhiều chất dinh dưỡng, mận có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số loại thuốc khi ăn nhiều. Ngoài ra, những người đang mắc bệnh đang cần kiểm soát lượng kali trong máu cũng cần thận trọng khi ăn loại quả này và cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn.