Ở Nhật nói chung và Tokyo nói riêng, người ta có thể thoải mái mang theo nhiều tiền mặt bởi tỷ lệ tội phạm rất thấp và gần như không bao giờ phải lo lắng về rủi ro bị cướp.
Thủ đô Tokyo của Nhật không chỉ nổi tiếng với những tòa nhà chọc trời, trung tâm tài chính, mua sắm sầm uất mà còn được biết đến như một trong những thành phố an toàn nhất thế giới.
Tokyo là nơi mà người ta thường nói với nhau rằng nếu bạn có để quên một chiếc túi hay thậm chí cả điện thoại trên tàu, hãy chỉ cần ra báo cảnh sát, mô tả chính xác toa tàu bạn ngồi, đặc điểm của đồ vật bị mất, khả năng bạn có thể tìm lại được nó rất cao.
Thế nhưng thông tin mới nhất do cảnh sát Tokyo công bố chắc chắn sẽ khiến nhiều người ngạc nhiên hơn nữa. Theo đó, trong năm 2016, ngoài những vật dụng cá nhân như chìa khóa hay kính mắt và nhiều thứ đồ khác, cảnh sát Tokyo đã nhận được hẳn một “núi tiền”.
Người dân Tokyo đã nộp cho cảnh sát 3,67 tỷ yên tương đương 32 triệu USD tiền bị đánh rơi để trả lại cho người mất. Khoảng ¾ số tiền đó đã được trả lại cho đúng chủ nhân. Con số này có thể gây sốc cho nhiều người trên thế giới, nhưng với những ai đã hiểu tính cách Nhật, chắc chắn họ không ngạc nhiên.
Dù các phương tiện thanh toán điện tử cực kỳ phát triển tại Nhật nhưng người Nhật vẫn có thói quan sử dụng khá nhiều tiền mặt. Ước tính lượng tiền mặt lưu thông trong năm 2015 khoảng 103 nghìn tỷ yên, tương đương 19% GDP Nhật. Tỷ lệ sử dụng tiền mặt tại Nhật như vậy cao nhất trong nhóm 18 nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới, theo tính toán của Ngân hàng Trung ương Nhật (BOJ).
Ở Nhật nói chung và Tokyo nói riêng, người ta có thể thoải mái mang theo nhiều tiền mặt bởi tỷ lệ tội phạm rất thấp và gần như không bao giờ phải lo lắng về rủi ro bị cướp.
Có lẽ cũng chỉ có tại rất hiếm thành phố trên thế giới mà người ta có thể giữ chỗ trong quán cafe hay quán ăn chỉ bằng cách để lên bàn một chiếc iPhone rồi chạy ra quầy thanh toán mà không phải lo lắng điện thoại bị mất. Còn tại những nhà hàng, quán cafe, nếu khách chỉ quên một chiếc bút chì, nhân viên cũng sẽ giữ cho đến khi khách quay lại lấy.
Vậy tại sao Tokyo lại an toàn đến như vậy? Nhiều chuyên gia tâm lý và xã hội học chỉ ra văn hóa và cách giáo dục đạo đức của người Nhật đã giúp tạo ra một xã hội như vậy.
Cựu nhân viên cảnh sát và nay là giáo sư đại học Kansai, ông Toshinari Nishioka, cho biết tại các trường học của Nhật, giáo viên dậy cho học sinh rất nhiều về việc hãy đặt mình vào vị trí của người bị mất đồ để hiểu cảm giác của họ như thế nào, và rằng việc lấy đồ bị mất của người khác tồi tệ ra sao. Chính vì thế, ông nhấn mạnh sẽ hoàn toàn bình thường nếu một ngày nào đó bạn nhìn thấy một em nhỏ mang đồng xu 10 yên đến nộp cho cảnh sát.
Chính phủ Nhật cũng đưa ra khung thưởng và phạt rất rõ ràng đối với việc trả lại đồ đánh mất. Nếu chủ nhân đến đồn cảnh sát nhận đồ/tiền bị mất, người giao nộp trước đó có thể được nhận số tiền thưởng tương đương 5 đến 20% giá trị của đồ/tiền đó. Còn nếu sau 3 tháng kể từ ngày giao nộp mà không có ai đến nhận, người nộp sẽ được nhận toàn bộ số tiền/đồ đó.