- "Tại sao tôi lại phải dốc sức làm việc hết mình? Đây cũng không phải công ty của tôi, tôi chỉ đi làm công và nhận lương hàng tháng, đâu cần phải cố gắng 100% làm gì?",
- "Anh ta cũng làm cùng 1 công việc như tôi, đâu cần phải làm thật giỏi, mà vẫn có mức lương bằng với tôi thôi"...
- "Tôi chẳng đam mê gì công việc của mình, tôi chỉ cần làm đúng nhiệm vụ, không cần làm thêm cái gì phát sinh ngoài công việc cả"...
Thật ra, có 3 lí do tại sao bạn nên luôn luôn cố gắng làm việc thật tốt không phải chỉ để nhận lương, hãy cùng xem phía dưới đây nhé:
Lí do số 1:
Làm việc nỗ lực là bạn đang xây dựng kỹ năng cho bản thân. Không có gì bạn học tập và tìm hiểu được là lãng phí cả. Bất kể mối quan hệ, kiến thức, ấn tượng hay kỹ năng gì mà chúng ta xây dượng nên, sẽ chỉ thuộc về chúng ta và không ai có thể lấy đi điều đó. Tóm lại, làm việc nỗ lực sẽ mang lại rất nhiều điều tốt đẹp cho chính bản thân chúng ta.
Lí do số 2:
Làm việc nỗ lực, là chúng ta đang gầy dựng danh tiếng cho chính mình. Cách bạn làm việc nói lên rất nhiều điều về con người của bạn. Và danh tiếng của chúng ta sẽ tạo nên niềm tin, niềm tin đó giúp chúng ta có được một công việc tốt hơn và một mức thu nhập cao hơn. Bạn sẽ tin và quý trọng một người làm việc tốt chỉ để lãnh lương, hay một người luôn làm việc tốt bất kể anh ta được trả lương như thế nào?
Lí do số 3:
Bạn đang xây dựng tính cách của mình. Và tính cách đó sẽ gây ảnh hưởng đến những người xung quanh, đặc biệt là con cái của bạn. Những nhà tuyển dụng tuyển nhân viên không chỉ nhìn vào kỹ năng chuyên môn, mà phần lớn còn là nhìn vào con người, vào thái độ trong công việc.
Hãy nghĩ về những người có tác phong làm việc không tốt mà bạn không thích, họ cũng là con cái của một ai đó. Có một điều nho nhỏ là khi con cái chúng ta được học tại các trường đại học tốt nhất, sau đó chúng lại không được một công việc tốt hay được đề bạt, đó là vì các nhà tuyển dụng nhận thấy chúng làm việc không nỗ lực hoặc chúng quá tính toán, một phần nào đó do ảnh hưởng tính cách từ cha mẹ mình.
Alber Eistein đã từng nói “Đừng phấn đấu để mình thành công mà hãy phấn đấu để mình có giá trị”. Hãy là một con người có giá trị, bằng cách nỗ lực hết mình, khẳng định năng lực của chính chúng ta trong công việc.
Và cuối cùng, dù bạn có đang làm công việc gì đi nữa, thì hãy luôn luôn mang cho mình một tinh thần lạc quan vui vẻ nhé. Chúc bạn thành công!