Giá trị thương phẩm của gỗ sưa đỏ luôn là một ẩn số. Tuy nhiên nhiều đại gia sẵn sàng trả tiền tỷ để được sở hữu cây gỗ sưa, loại cây "đắt hơn vàng".
Gỗ sưa đỏ, một số nơi gọi là gỗ huê, gỗ huỳnh, gỗ trắc là gỗ thuộc nhóm IA trong sách đỏ Việt Nam, cấm khai thác mục đích thương mại từ năm 1994.
Đây là loại gỗ cực kỳ quý hiếm, hiện nay cây mọc hoang trên rừng rất ít, hầu như là đã bị khai thác hết. Do người dân săn lùng loại gỗ này ráo riết với mong muốn đổi đời. Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên đều có giá hàng chục tỷ đồng “gỗ sưa trăm tỷ”, một số lượng nhỏ cây sưa đỏ nằm trong các công viên, nhà chùa,… được trông coi cẩn thận, nhưng vẫn phải đối mặt với “sưa tặc” bất cứ lúc nào.
Một số sách của Trung Quốc như “Trung dược đại từ điển” và “Bản thảo cương mục” đều xem gỗ sưa đỏ có những công dụng y tế nhất định như cầm máu, giảm đau, chống huyết áp, bệnh đường ruột, nhuận khí, chứa bễnh tim và hoạt huyết.
Tuy nhiên, gỗ sưa chỉ được đề cập là một loại có công dụng như thảo dược khi phối hợp với các loại dược liệu khác mới có tác dụng nhưng lại không thấy sách nào mô tả cách chế biến gỗ sưa thành thuốc hay chứng minh trong gỗ sưa có chất nào ích lợi thảo dược.
Thế nhưng, theo Tiến sĩ Đoàn Văn Thu, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ vào năm 2012 cho biết, cả phía các chuyên gia Việt Nam và Trung Quốc đều không tìm ra lí do tại sao gỗ sưa đắt đến như vậy đồng thời cũng không phát hiện ra giá trị thảo dược nào trong loại gỗ này.
Ngoài ra, gỗ sưa đỏ được nhiều người truyền tai nhau là một loại hương liệu được người Trung Quốc từ xưa dùng để ướp xác giới quý tộc, đồng thời có thể làm khí cụ trừ tà đuổi ma và trấn yểm. Mặc dù vậy, hiện nay chưa có thông tin nào xác nhận đã tìm thấy xác ướp được ướp bằng hương liệu từ gỗ sưa.
Riêng ở Việt Nam, việc dùng gỗ làm chất ướp xác trong các ngôi mộ cổ được khai quật đến nay lại xác định là cây Hoàng đàn rủ, còn gọi là Ngọc am hay San Mộc và có tên khoa học là Cupressus funebris chứ không phải gỗ sưa đỏ. Một số chuyên gia cho rằng, gỗ sưa có thể không dùng làm hương liệu trong ướp xác như đồn đại vì loại gỗ này không phải là loại tiết ra tinh dầu thơm.
Một số người khác lại tin rằng, gỗ sưa đỏ thuộc hàng đầu bảng trong các loại gỗ quí, vượt trội cả lim, gụ, táu và sến. Nó có độ bền chắc, mùi hương thơm lâu dù bị ngâm nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước hay mục nát.
Nhưng theo nghiên cứu của giới khoa học Việt Nam, cây sưa chỉ đứng ở nhóm gỗ 2, độ chịu lực không bằng nhóm gỗ 1 là lim, gụ. Thạc sỹ Đỗ Văn Bản, Trưởng phòng Tài nguyên thực vật thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết trên Vtc.vn ngày 15.5.2012, tuy gỗ sưa đỏ thuộc loại gỗ đẹp nhưng vẫn đứng sau gỗ trắc. Người dân coi là loại gỗ thơm nhưng không được ưa chuộng như gỗ giáng hương.
Người Trung Quốc vẫn thường nói với nhau về câu chuyện gỗ sưa. Họ kể rằng, trong những lần khai quật mộ vua chúa khi xưa, thì nhận thấy quan tài được làm bằng gỗ sưa. Vật dụng trong nhà dành cho hoàng thân quốc thích cũng thường được sử dụng bằng loại gỗ này.
Gỗ sưa có độ bền cực kỳ cao, ngâm trong bùn, trong nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước hay mục nát lại không bay mùi hương, đặt ngoài nắng cũng không hề co nứt. Bởi vì thế mà từ xưa, ở Trung Quốc người ta đã ưa chuộng. Người ta còn quan niệm rằng, gia đình dù giàu có đến mấy, cuộc sống có vương giả đến mấy mà trong nhà không có vật dụng làm bằng gỗ sưa thì cũng chưa đạt đến đẳng cấp thượng lưu.
Chính vì lẽ đó, những người giàu Trung Quốc ráo riết săn lùng các sản phẩm gỗ sưa đỏ Hải Nam. Tuy nhiên, để có được một cây sưa, phải mất hàng trăm năm, mà nguồn gỗ sưa Hải Nam đã cạn kiệt, nên thương lái chuyển sang tìm kiếm gỗ sưa ở Việt Nam và đã tạo ra cơn sốt gỗ sưa kinh khủng ở Việt Nam kéo dài mấy năm nay.
Giá trị thương phẩm của gỗ sưa đỏ luôn là một ẩn số, chưa có lời giải đáp thỏa đáng, mà thật ra không ai nói cho chính xác được. Tuy nhiên trên Tinh Hoa Thời Báo, có đăng quảng cáo rất nhiều loại gỗ sưa, cả của Việt Nam và Hải Nam. Vào mục rao vặt của tờ báo này, có thể biết rõ giá trị của các sản phẩm từ gỗ sưa là rất lớn.