Chẳng nhớ ai là người nghĩ ra câu: "Bữa sáng ăn cho mình, bữa trưa cho bạn bè, và bữa tối cho kẻ thù", nhưng rất nhiều người trong chúng ta đã học theo: sáng và trưa ăn nhiều, còn tối thì ăn ít.
Trên thực tế, phần lớn nền văn hóa đều xem bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Một bữa sáng đủ chất được cho là giúp con người tập trung và tỉnh táo hơn, đồng thời tránh được nguy cơ thừa cân.
Không ít nghiên cứu thực hiện trước đây cũng ủng hộ lợi ích của bữa sáng. Vì thế ngày nay không chỉ ở phương Tây mà nhiều nước phương Đông, vốn có truyền thống đề cao giá trị bữa tối, cũng đang dần xem việc ăn nhiều vào bữa sáng là một trong những cách ăn uống đúng đắn nhất.
Tuy nhiên, trong cuốn sách mới xuất bản tựa đề "Breakfast is a Dangerous Meal" (tạm dịch: Bữa sáng – Một bữa ăn nguy hiểm) của giáo sư Terence Kealey, nhà sinh hóa học và Phó Hiệu trưởng tại ĐH Buckingham, Anh đã phủ nhận phương châm này.
Ăn sáng nhiều chưa chắc tốt các chế ạ!
Bản thân Kealey là một bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 2, ông nhận thấy nồng độ đường trong máu thường xuyên tăng cao bất thường sau khi ăn sáng. Tuy nhiên, nếu vào hôm đó ông ăn sáng muộn hay đợi luôn đến trưa mới ăn thì nồng độ đường giữ ở mức bình thường.
Từ đó, giáo sư Kealey đã bắt tay vào nghiên cứu nghiêm túc ảnh hưởng của bữa sáng lên cơ thể, để rồi phát hiện ra nhiều sự thật bất ngờ.
Những sự thật không thể tin nổi
Một trong số đó là hóa ra rất nhiều nghiên cứu chỉ ra tác dụng ưu việt của bữa sáng lại được tài trợ bởi các công ty sản xuất ngũ cốc và đồ ăn sáng. Lợi nhuận mà các công ty này thu về trên toàn cầu là rất lớn, với doanh thu bán hàng của chỉ riêng mặt hàng ngũ cốc ước tính đạt tới 43,2 tỉ USD/năm (tương đương gần 1 triệu tỉ đồng).
Ngũ cốc và tiền... rất nhiều tiền...
Nói cách khác, những nghiên cứu như thế không mang tính khách quan, vì nhà tài trợ chi tiền với mục đích duy nhất là ủng hộ tính quan trọng của bữa sáng.
Chuyên gia dinh dưỡng Amelia Freer cũng đồng ý với nhận định rằng những "ông trùm" ngành thực phẩm có lợi nhuận trong việc khiến mọi người tích cực ăn sáng. Thông qua các phương tiện truyền thông, các nhà sản xuất còn khuyến khích người dùng chọn một số thực phẩm "bổ dưỡng" cho bữa sáng như bánh mì, bánh nướng, bánh ngọt, ngũ cốc.
Chúng là các loại thực phẩm ít ai làm tại nhà mà thường mua ngay tại siêu thị hay cửa hàng cho tiện, nhưng thực ra lại không phải là lựa chọn hợp lý để bạn đưa vào miệng mình mỗi sáng.
Các loại bánh hay ngũ cốc này chứa lượng lớn carbohydrate và đường, nhưng ít protein và chất béo. Cho nên chất dinh dưỡng chúng cung cấp cho người dùng chẳng là bao, mà chủ yếu là năng lượng từ đường thôi.
Đồng thời, trong cuốn sách của mình, giáo sư Kealey cho thấy ăn sáng cũng có khả năng làm tăng lượng calorie con người hấp thu mỗi ngày, trái với quan điểm cho rằng cứ ăn sáng vô tư chẳng lo gì... mập!
Mập à? Tớ ứ quan tâm
Nhiều người nghĩ rằng ăn sáng no sẽ ngăn chúng ta ăn nhiều vào bữa trưa và ngược lại. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây chẳng hạn của David Levitsky và cộng sự tại ĐH Cornell (Mỹ) đã chứng minh một bữa sáng chỉ 350 calorie không có tác động gì đến phần năng lượng sẽ nạp vào các giờ tiếp theo đó trong ngày.
Đồng thời, khi tình nguyện viên ăn một bữa sáng... cỡ bự, khoảng 600 calorie hoặc hơn, họ cũng chỉ giảm 144 calorie nạp vào sau đó thôi. Nói cách khác, nếu xem ăn sáng là một phương pháp để giảm cân thì... xin chia buồn.
Vậy đâu là cách ăn đúng đắn?
Nếu ăn bữa sáng, trưa, hay tối đều có nguy cơ "thừa mỡ", thì nên chăng chúng ta nên dẹp luôn các bữa chính mà thay vào đó ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày?
Nhưng xin hãy khoan, bởi theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí sức khỏe Appetite thì người ăn thành nhiều bữa vẫn nạp năng lượng tương đương với người ăn ba bữa chính. Và một số nhà khoa học còn cho rằng, chế độ ăn nhiều bữa làm nồng độ hormone insulin trong máu liên tục giữ ở mức cao, tạo áp lực lên gan và tuyến tụy, kích hoạt cơ thể vào chế độ "lưu trữ chất béo"!
Thế rốt cuộc "người nông dân" phải làm thế nào...
Đầu tiên, có lẽ chúng ta cần nhận thức rõ bữa sáng không là bữa ăn quan trọng nhất như niềm tin phổ biến. Bạn vẫn nên ăn, nhưng cần chọn loại thực phẩm bổ dưỡng hơn, thay vì gặm tạm một cái bánh mỳ toàn carbonhydrate dễ gây béo phì.
Tiếp đến, như lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng Freer thì mọi người cần cải thiện chế độ ăn nói chung, chứ không riêng bữa nào cả. Cần chọn ăn các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, và gom lại trong 2-3 bữa chính/ ngày chứ không chia thành nhiều bữa.
Còn giáo sư Kealey cho rằng, chúng ta có thể ăn uống tùy ý vào các khung thời gian khác nhau trong ngày, nhưng tuyệt đối không ăn khuya.
Tớ chỉ ăn đồ "lành mạnh" thôi nhé!
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa khuyên bạn bỏ bữa sáng. Đối với người bị tiểu đường hay thừa cân thì bỏ qua bữa sáng là một lựa chọn đáng cân nhắc, nhưng với trẻ em thì vẫn cần, vì đang trong độ tuổi cần bổ sung năng lượng.
Hoặc nếu bạn là người thích có gì "nhét bụng" vào sáng sớm nhưng vẫn đang thấy hài lòng với cân nặng và sức khỏe của mình thì chẳng tội gì mà phải thay đổi cả.