Khi tay và chân người ngâm lâu trong nước sẽ dần hình thành nên các nếp nhăn ở đầu ngón tay và ngón chân, vì sao có hiện tượng này?
Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học từng tin rằng, hiện tượng nhăn da này bắt nguồn từ việc lớp da ngoài cùng hấp thụ và căng phồng nước.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây hé lộ, hệ thần kinh chủ động kiểm soát việc nhăn da bằng cách co rút các tế bào máu phía dưới da. Điều đó cho thấy các nếp nhăn ở đầu ngón tay và ngón chân có tác dụng nào đó.
“Hiện tượng quen thuộc với mọi người không phải là dạng tác dụng phụ của bản chất da trên ngón tay, ngón chân.
Mà là đặc điểm chức năng có thể đã được chọn lọc trong quá trình tiến hóa”, nhà nghiên cứu Tom Smulders, chuyên gia sinh vật học tiến hóa tại Đại học Newcastle (Anh) cho biết.
Năm 2013, một loạt các thí nghiệm đã được tiến hành để chứng minh xem liệu với những ngón tay nhăn nheo, con người có thể cầm nắm những đồ vật trong môi trường ẩm ướt dễ hơn với bàn tay bình thường không?
Đồng thời, các nhà khoa học cũng nghiên cứu về độ đàn hồi và độ dính của da.
Sau các thí nghiệm này, các nhà khoa học phát hiện ra rằng các ngón tay nhăn nheo sau khi ngâm nước sẽ cầm nắm vật tốt hơn trong điều kiện ẩm ướt.
Cụ thể, những vết nhăn trên tay có tác dụng tương tự như các vệt hoa lốp giúp bánh xe bám chắc vào mặt đường.
Một khả năng nữa là, việc nhăn nheo gây biến đổi các đặc tính da, chẳng hạn như độ đàn hồi và độ dính, giúp ngón tay cầm nắm tốt hơn khi ẩm ướt.
Có thể đây chính là đặc điểm tiến hóa của con người giúp hái lượm thực phẩm, hoa quả từ những cây cối ẩm ướt hoặc ở những vùng sông, suối.
“Hiệu ứng nhăn nheo” cũng xảy ra đối với ngón chân, giúp chân bám chắc vào mặt đường và các mặt đá khi đi dưới sông, suối. Đây có thể là đặc điểm giúp tổ tiên loài người di chuyển thuận lợi khi trời mưa.
Trong tương lai, có thể khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu xem hiện tượng tương tự có xuất hiện ở các động vật khác, kể cả động vật linh trưởng và phi linh trưởng, hay không. Điều này sẽ giúp hé lộ thời điểm cũng như căn nguyên của đặc điểm này.