Khi pha nước vào bột xi măng, sẽ xảy ra một phản ứng hóa học cực kỳ phức tạp, kết quả hình thành một loại đá nhân tạo không hòa tan trong nước và có độ bền mài mòn cao.
Xi măng là một trong những vật liệu hữu dụng nhất trong ngành xây dựng. Bản thân xi măng là một dạng bột mềm, nhưng khi hòa nước thì đông cứng lại, nó có thể kết hợp với cát hoặc đá vụn để trở thành một vật thể rắn rất kiên cố.
Xi măng là thành phần chính của vữa và bê tông. Vữa xây là vật hỗn hợp của xi măng, cát và nước. Bê tông là loại vữa có trộn thêm đá vụn.
Hiện nay, xi măng được chế tạo theo cách nung đá vôi, đất sét hoặc xỉ quặng khoáng ở nhiệt độ cao. Các thứ trên phải cùng nung nóng cho tới khi thành một sản phẩm thiêu kết có dạng như thủy tinh, sau đó nghiền vụn thành bột.
Khi pha nước vào bột xi măng, sẽ xảy ra một phản ứng hóa học cực kỳ phức tạp, kết quả hình thành một loại đá nhân tạo không hòa tan trong nước và có độ bền mài mòn cao.
Vậy đã xảy ra một phản ứng hóa học như thế nào? Xi măng trở nên cứng lại ra sao? Vấn đề này các nhà hóa học cho tới nay vẫn chưa tìm được lời giải đáp chính xác.
Trong xi măng chủ yếu có bốn hợp chất. Người ta cho rằng sau khi pha nước vào các hợp chất đó, chúng sẽ biến thành tinh thể. Các tinh thể đó móc nối với nhau, trở thành một loại đá cứng.
Một điều làm ta ngạc nhiên là, ngay từ thế kỷ II, III TCN, người La Mã cổ đã biết chế tạo ra một loại xi măng cứng trong nước. Cách làm của họ là: trộn tro bụi núi lửa với bột đá vôi. Đây là một cống hiến nổi bật của người La Mã cổ.