Cao răng hình thành từ chất cặn lắng của các muối vô cơ (calci carbonate, phosphate…) cùng các cặn mềm từ mảnh vụn thức ăn, xác tế bào, vi khuẩn cùng huyết thanh trong máu. Lâu dần, cao răng trở thành cứng, đổi màu từ vàng nhạt sang đỏ thậm chí là đen, bám quanh chân răng.Cao răng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có rất nhiều tác hại xấu đến sức khỏe răng miệng. Những quan điểm sai lầm như lấy cao răng có hại, dễ khiến cho răng lung lay và làm hỏng men răng là phản khoa học. Chính việc cao răng cùng những mảng bám này tích tụ lâu ngày khiến cho khoang miệng không được vệ sinh sạch sẽ dẫn đến những nguy cơ bệnh lý đáng lo ngại. Cũng chính vì tác hại của cao răng, các bác sỹ nha khoa khuyên nên lấy cao răng định kỳ 4 - 6 tháng/lần.
Bác sỹ có thể lấy cao răng cho bạn bằng máy thổi cát, bằng sóng siêu âm... Với những bệnh nhân nhiều cao răng thì vẫn phải dùng máy siêu thanh lấy cao răng để loại bỏ hết những mảng cao răng lớn vì máy thổi cát chỉ có thể làm sạch những vết ố màu trên bề mặt chứ không làm rời mảng cao răng ra được.
Bạn cũng có thể phòng tránh cao răng bằng cách: Chải răng sạch ngay sau khi ăn; sử dụng chỉ tơ nha khoa lấy sạch mảnh vụn thức ăn ở kẽ răng; Súc miệng bằng nước sát khuẩn có bán sẵn hoặc nước muối pha loãng; Khám răng miệng định kỳ 3 tháng/lần; Không nên đợi có cao răng mới đi lấy vì khi cao răng hình thành thì nó đã gây ra thương tổn và có thể gây các bệnh về răng miệng.