Tại sao lại có thể Mơ Thấy Tương Lai?


Trong suốt cuộc đời, con người trải qua hàng chục ngàn giấc mơ và 80% trong số này có nội dung u ám, nên việc một giấc mơ nào đó ứng với một sự kiện bi thảm xảy ra trong đời thực chỉ là vấn đề xác suất.

-----------------------
Có phải được báo mộng?
-----------------------

Vào buổi sáng ngày 21/10/1966, một thảm họa khủng khiếp đã xảy ra ở Aberfan, ngôi làng nhỏ nằm ở South Wales (Vương quốc Anh). Mưa lớn nhiều ngày đã làm nửa triệu tấn chất thải từ mỏ than đổ ập xuống ngôi trường tiểu học của làng, cướp đi mạng sống của 116 trẻ em và 28 người lớn.

Sự kiện này gây chấn động tinh thần đến mức, một chuyên gia tâm lý đã quyết định tiến hành khảo sát xem liệu có ai đó ở Anh linh cảm trước rằng nó sẽ xảy ra. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông nhận được hơn 60 lá thư, trong đó, khoảng một nửa cho biết họ đã mơ thấy thảm họa. Ấn tượng nhất là thư của cha mẹ một bé gái 10 tuổi đã chết trong vụ sạt lở. Họ cho biết, một ngày trước thảm họa, con gái họ đã mơ thấy mình đi học, nhưng "không thấy trường đâu" vì "một thứ màu đen đã chôn vùi nó".

Kết quả này khi ấy có thể khiến nhiều người rùng mình, nhưng trên thực tế, việc mơ thấy tương lai xảy ra khá phổ biến. Một khảo sát gần đây cho thấy, khoảng 1/3 nhân loại trải qua hiện tượng này vào một thời điểm nào đó trong đời. Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của nước Mỹ mơ thấy một vụ ám sát 2 tuần trước khi ông bị bắn chết tại nhà hát Ford. Nhà văn Mark Twain mơ thấy xác em trai trong quan tài chỉ chừng 1 tháng trước khi ông này chết trong một vụ nổ. Phải chăng, tất cả những điều này cho thấy chúng ta được một thế lực nào đó báo mộng về những điều sắp xảy ra?

-------------------------
Kết luận: Chỉ là vấn đề xác suất
-------------------------

Các nghiên cứu về giấc ngủ cho biết, mỗi đêm, chúng ta trải qua trung bình 4 giấc mơ, mỗi lần kéo dài khoảng 20 phút và cách nhau khoảng 90 phút. Nhưng khi thức dậy, chúng ta quên phần lớn các giấc mơ này. Khi đó, ta có thể nhớ được nội dung chính của giấc mơ và có thể cả một vài chi tiết đặc biệt. Nếu giấc mơ đó không gây ấn tượng đặc biệt thì nó cũng sẽ sớm trôi vào dĩ vãng. Nhưng nếu nó lại tình cờ có liên quan đến một sự kiện nào đó trong đời thực thì chúng ta sẽ nhớ rất lâu và tin rằng mình tiên tri được tương lai.

Trên thực tế, điều này xảy ra do các quy luật xác suất chứ không phải do các sức mạnh siêu nhiên huyền bí. Lấy ví dụ một người bình thường tại Anh, nằm mơ hàng đêm từ năm 15 - 75 tuổi. Trong quãng thời gian này, ông ta sẽ có 21.900 đêm nằm mơ. Giả sử những thảm họa như sạt lở ở Aberfan chỉ xảy ra 1 lần trong mỗi thế hệ. Lại giả sử người Anh nói trên sẽ nhớ được giấc mơ về thảm họa như vậy chỉ 1 lần trong đời. Khả năng để ông ta nằm mơ thấy thảm họa vào đêm trước khi nó xảy ra là khoảng 22.000:1.

Vào những năm 1960, khi xảy ra vụ Aberfan, nước Anh có 45 triệu dân, nên có thể suy ra, cứ 1 trong số 22.000, tương đương với việc mỗi thế hệ sẽ có trên dưới 2.000 người mơ thấy thảm họa trước khi nó xảy ra.

Ví dụ này chỉ tính đến thảm họa Aberfan, nhưng trên thực tế, những sự kiện bi thảm như động đất, sóng thần, máy bay rơi, giết người hàng loạt... xảy ra hằng ngày ở mỗi nước và trên toàn thế giới. Trong khi đó, các nhà khoa học đã thống kê được rằng, 80% các giấc mơ của con người có nội dung u ám, tiêu cực. Từ hai mệnh đề này, việc một số người nằm mơ thấy tương lai, đặc biệt có các sự kiện bi thảm là điều đương nhiên.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »