Một số giả thuyết cho rằng việc chúng ta "chịu đau để ăn ớt" là một "tình yêu dành cho nhiệt độ". Theo đó, cảm giác lúc ăn ớt mô phỏng lại sức nóng vật lý. Hình ảnh quả ớt gắn liền với ngọn lửa và có liên hệ mật thiết với hương vị của món ăn. Ngọn lửa một yếu tố cơ bản mà con người đã phát minh ra từ thuở xa xưa và dường như "con người đã tiến hóa để yêu thích các loại thức ăn nóng".
Cảm giác ăn ớt tương tự như cảm giác của con người đối với thức ăn lạnh. Cái lạnh có thể gây khó chịu cho da nhưng ngược lại, chúng ta cũng rất thích uống các loại đồ uống lạnh và đặc biệt là ăn kem. Có thể, chúng ta cũng tiến hóa để yêu thích sự mát mẻ và dùng nó để giải quyết cơn khát. Tuy nhiên, mọi việc phải có nguyên nhân sâu xa hơn và các lý luận trên đây vẫn chưa đủ lý giải câu hỏi đặt ra ban đầu.
Từ những năm 1970, Paul Rozin, giáo sư tâm lý học tại Đại học Pennsylvania, đã bắt đầu thực hiện những nghiên cứu nhằm lý giải tại sao con người yêu thích các loại thực phẩm cay nóng. Ông đã đến ngôi làng Oaxaca, miền Nam Mexico để điều tra nhằm tìm hiểu sự khác biệt giữa con người và động vật. Các cư dân tại vùng này đặc biệt thích những loại thức ăn rất cay. Vậy lợn hoặc chó của họ có ưa thích khẩu vị này hay không?
Giáo sư Rozin cho biết: "Tôi đã hỏi những người dân trong vùng xem họ có biết loài động vật nào cũng thích ăn tiêu cay hay không? Họ nói rằng câu hỏi này thật là khôi hài. Họ cho biết: Không có loài động vật nào thích ăn hạt tiêu cả". Chưa tin vào lời của người dân bản địa, Rozin đã thực hiện thí nghiệm chứng minh. Ông cho lợn và chó 2 sự lựa chọn: bánh quy pho mát không cay và một miếng bánh quy khác, được tẩm nước sốt cay. Kết quả cho thấy, chúng ăn cả 2 miếng bánh, nhưng luôn chọn bánh không cay để ăn trước.
Ăn ớt chính là một hình thức "hành xác" để tìm khoái cảm
Ớt Carolina Reaper, loại ớt cay nhất thế giới
Giáo sư Rozin kết luận rằng "tình yêu vị cay" là kết quả của sự phối hợp hoạt động giữa 2 hệ thống thần kinh thích thú và nỗi đau. Những người thích ăn cay là do khi đó, họ cảm nhận được sự đau đớn mà không hề rủi ro, và sao đó, họ cảm nhận được sự giải khuây khi cơn đau do ớt gây ra qua di. "Con người thích cảm giác sợ hãi và kích thích do chơi tàu lượn cao tốc, nhảy dù, hoặc xem phim kinh dị. Điều này cũng tương tự như việc ăn ớt, nhảy vào nước đá,… Các hoạt động "hành xác" này cũng bao gồm việc ăn ớt và đây là khả năng chỉ con người mới có". Đối với động vật, ăn ớt là một hình thức hành xác, một sự thách thức nguy hiểm để tìm khoái cảm.
Rozin đưa ra giả thuyết rằng hương vị cũng có một chức năng tình cảm khá bất ngờ: Sự giải khuây. Hồi năm 2011, 1 nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà thần kinh học Siri Leknes tại Đại học Oxford đã đi tìm mối quan hệ giữa sự thích thú và sự giải khuây. Nghiên cứu cố gắn tìm hiểu xem 2 cảm giác này có luôn xuất hiện cùng nhau hay không. Trong thí nghiệm, tiến sĩ Leknes đã bắt 18 tình nguyện viên phải làm 2 việc, dễ chịu và khó chịu, sau đó quét hoạt động não của họ.
Trong "nhiệm vụ dễ chịu", họ được yêu cầu hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp, bao gồm cả những món ăn họ thích và mùi vị trong lành của biển cả. Ngược lại trong nhiệm vụ khó chịu, các tình nguyện viên sẽ nhận được những tín hiệu về sự nguy hiểm sắp đến, và ngay sau đó, một chùm tia với sức nóng 120 độ sẽ được chiếu vào cánh tay trái của họ trong vòng 5 giây, không đủ để gây tổn thương nhưng sẽ rất đau.
Kết quả scan não cho thấy cả sự giải khuây lẫn niềm thích thú đều kích hoạt một cách chồng chéo cùng 1 vùng não ở thùy trước. Đây là nơi mà nhận thức và các phán quyết được hình thành và rất gần với các điểm nóng khoái lạc. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng cường độ của cảm xúc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả thái độ đối với cuộc sống. Những tình nguyện viên có thái độ bi quan trong cuộc sống, não của họ sẽ tạo ra sự giải khuây với cường độ mạnh mẽ hơn, có thể là do những người này nghĩ rằng sự đau đớn sẽ không kết thúc.