Chúng ta có thể tóm tắt bằng một câu ngắn gọn - tất cả bom hạt nhân nổ thì chẳng còn lại gì cả.
Theo số liệu thống kê của Liên đoàn Khoa học Mỹ năm 2017, trên thế giới hiện nay đang có 14.900 đầu đạn hạt nhân. Hãy tưởng tượng xem nếu tất cả 14.900 đầu đạn hạt nhân hiện đại cùng khai hỏa thì điều gì sẽ xảy ra?
Sức công phá của 1 quả bom B83
Một trong những vũ khí hạt nhân hiện đại nhất của Mỹ hiện nay là B83. Nó có thể gây ra một vụ nổ tương đương với 1,2 triệu tấn TNT, tạo ra năng lượng vào khoảng 5 triệu Jun và có sức công phá bằng 79 quả bom từng được thả xuống Hiroshima vào năm 1945.
B83 khi nổ sẽ tạo ra một hố rộng 420 mét và sâu 92 mét – theo nhà nghiên cứu lịch sử hạt nhân Alex Wellerstein.
Vụ nổ ngay lập tức sẽ tạo ra một quả cầu lửa khổng lồ trong phạm vi 5,7km vuông, với nhiệt độ lên đến 83,3 triệu độ C.
Chỉ cần sử dụng 50% năng lượng thôi là nó có thể tạo ra một áp suất khổng lồ, khiến cho tất cả mọi công trình trong bán kính 16,8 kilomet đều bị san bằng.
Tiếp theo, 35% năng lượng của vụ nổ sẽ gây ra phóng xạ nhiệt khiến cho tất cả mọi người trong bán kính 420 kilomet bị phỏng độ 3 (tuy nhiên họ chỉ cảm thấy đau đớn trong một phần nhỏ giây bởi vì mọi dây thần kinh sẽ bị thiêu cháy trong chốc lát).
Cuối cùng là bụi phóng xạ và ion. Giả sử lúc đó trời không có gió thì khu vực xung quanh vụ nổ 20,6 kilomet sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. 50 – 90% số người sẽ chết ngay lập tức do nhiễm phóng xạ.
Khi tất cả đều phát nổ cùng một lúc
Dù tất cả đầu đạn hạt nhân trên thế giới không hiện đại như nhau nên chúng ta hãy giả sử mọi quả bom đều có sức công phá như B83. Khi đó, ta sẽ có khoảng 13.800 quả B83. Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng nổ cùng một lúc?
Đầu tiên, vụ nổ sẽ hủy diệt 94km vuông đất liền ngay lập tức. 232.000km vuông cơ sở hạ tầng sẽ bị thổi bay bởi luồng áp suất tạo ra. Điều này có nghĩa là 295 đô thị có kích cỡ như thành phố New York sẽ biến thành tro bụi.
Tiếp theo, một quả cầu lửa có kích thước 79.000km vuông sẽ thiêu rụi tất cả mọi thứ mà nó chạm vào, và giết chết bất cứ ai đứng trong vòng bán kính 5,8 triệu km quanh nó, nghĩa là tất cả mọi người trong một vùng đất rộng bằng 3.700 thành phố London sẽ thiệt mạng.
Cuối cùng, đám mây phóng xạ và ion sẽ làm nhiễm độc một vùng rộng 284.000km vuông và khiến cho bất cứ ai còn sống bị nhiễm phóng xạ.
Tóm lại, hàng trăm triệu người (thậm chí hàng tỷ người) sẽ chết trong 1 giờ đầu tiên. Tuy nhiên, nó còn để lại tác hại lâu dài nữa.
Thứ còn lại là một mùa đông dài đằng đẵng
Khi vụ nổ hạt nhân xảy ra, những đám bụi phóng xạ sẽ bay lên tầng cao của khí quyển và làm hạ nhiệt độ của hành tinh.
Một mùa đông hạt nhân về lý thuyết khá giống với những kỷ băng hà đã từng diễn ra trong quá khứ, ngoại trừ một việc là chỉ cần hít một hơi khí trời là bạn có thể bệnh và chết ngay. Vậy, cần bao nhiêu quả cầu lửa hạt nhân để gây ra một mùa đông dài đằng đẵng?
Một nghiên cứu cho rằng 100 quả bom từng rơi xuống Hiroshima là có thể giải phóng đủ lượng mảnh vỡ carbon để tạo nên một mùa đông hạt nhân cỡ nhỏ.
Nhiệt độ toàn cầu sẽ giảm đi ít nhất là 1 độ C. Do đó nếu toàn bộ đầu đạn hạt nhân cùng phát nổ, một màn đêm vĩnh cửu sẽ bao phủ lấy Trái đất trong nhiều thế kỉ và tiêu diệt sự sống trên đó.
Chỉ những loài thực vật thích nghi được với môi trường khắc nghiệt nhất mới có thể tồn tại và vươn lên đứng đầu trong chuỗi thức ăn.
Một cuộc đại tuyệt chủng lớn nhất sẽ diễn ra, có thể con người sẽ hoàn toàn biến mất. Những loài còn lại phải sống trong một thế giới nhiễm phóng xạ rất nặng.
Tất nhiên, mọi thứ ở trên chỉ là giả thiết của các nhà khoa học. Thực tế có thể còn ghê gớm hơn nhiều, do đó chúng ta hãy mong rằng nó không bao giờ xảy ra.
Theo Trí Thức trẻ