Tại sao các loài động vật thường xả thân cứu người?

Theo đánh giá của nhiều nhà động vật học, mỗi hành vi cứu người của loài vật đều có nguyên do, Jean Marc Poupard, một nhà khoa học làm việc tại Phòng nghiên cứu về sinh – xã hội học tại Đại học Paris V, cho rằng: “Sở dĩ chó có hành vi cứu người vì chúng đã được huấn luyện chỉ để làm công việc đó, chứ không phải làm một điều tốt cho con người như người ta vẫn nghĩ”. Còn theo Pierre Jouventin, một nhà khoa học làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) của Pháp: “Do có gốc gác tổ tiên từ loài chó sói, nên chó nhà luôn giữ bản năng sống theo bầy đàn, cho dù bầy đàn của nó là một gia đình của con người bao gồm chủ nhân của nó và những người thân của họ. Vì vậy, chúng phải bảo vệ họ trong trường hợp gặp nguy hiểm”. Còn trong trường hợp đười ươi cái Binti Jua đã cứu một bé trai 3 tuổi rơi vào một cái hố ngay trong khu chuồng nuôi đười ươi tại Vườn thú Brookfield ở thành phố Chicago vào năm 1976, rồi bảo vệ chú bé khỏi sự tấn công của các con đười ươi khác trước khi giao lại cho nhân viên bảo vệ, thì các nhà nghiên cứu động vật cho rằng, do Binti Jua được con người nuôi dưỡng ngay từ nhỏ nên đã bắt chước cách mà các nhân viên của vườn thú đã săn sóc và bảo vệ nó.

Riêng nhà thần kinh – tâm thần học Boris Cyrulnik, làm việc tại Trung tâm nghiên cứu thần kinh Toulon của Pháp lại nhận định rằng: Các hành động cứu người của loài vật xuất phát từ mối liên hệ giữa các giống loài khác nhau. Ở một số loài, sự bất ổn của loài này kéo theo sự bất ổn cho loài khác. Ở động vật có vú như chó, mèo, cá heo… hệ thần kinh của chúng có thể tương tác với thế giới tâm linh của những loài khác. Do đó, khi thế giới tâm linh của một loài nào đó gặp bất ổn thì chúng cũng cảm thấy bất ổn ngay. Vì vậy, chúng sẽ đáp lại các tín hiệu bất ổn này bằng các hành vi hỗ trợ. Trong các loài vật có vú, chó có hành vi hỗ trợ kịp thời và hiệu quả nhất. Nhà khoa học Piere Jouventin còn cho biết thêm: “Cá heo cũng có hành vi hỗ trợ kịp thời cho con người vì chúng sống theo bầy đàn. Chúng coi con người là thành viên bầy đàn của mình và ra tay cứu giúp khi gặp nguy hiểm”.


Cũng có khi, loài vật ra tay giúp hay cứu người cũng chỉ vì quyền lợi của chúng. Giáo sư Piere Jouventin lý giải: “Nếu cá heo chỉ đường tránh bão cho ngư dân hay dẫn họ đến những vùng biển có nhiều cá để đánh bắt là do chúng muốn được thưởng một cách xứng đáng bằng việc cho chúng ăn no nê cá. Đó còn là trường hợp của một số loài chim Nam Mỹ dẫn con người đến nơi có tổ ong để khai thác, mục đích của chúng không phải là để giúp con người mà là để con người cho chúng được ăn mật ong thỏa thuê”.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »