Tết Hàn thực có từ xa xưa gắn liền với một điển tích của người Trung Quốc. Theo nghĩa chữ Hán "Hàn" là lạnh, "thực " là ăn; " tết Hàn thực" là tết ăn đồ lạnh. Trải qua thời gian ngày nay dịp Tết Hàn Thực 3/3 chỉ còn là một dịp lễ thông thường nhưng thời xa xưa, trong ngày này, nhà nhà phải chuẩn bị sẵn thức ăn nguội chứ không được đốt lửa nấu thức ăn nóng.
Tuy nhiên khi nói về tết Hàn thực nhiều người vẫn luôn đặt câu hỏi vì sao lại kiêng lửa trong ngày này? Và vì sao chúng ta phải ăn đồ nguội mà không phải đồ nóng?
Vì sao tết Hàn thực lại kiêng lửa?
Nguyên do của việc tết Hàn thực kiêng lửa bắt nguồn từ câu chuyện giữa Tấn Văn Công và viên thuộc hạ tên là Giới Tử Thôi. Câu chuyện này được chép trong sách Tả Truyện hay cũng gọi là Tả thị Xuân Thu.
Sách chép rằng thời Tấn Văn Công (697–628 TCN) còn bôn ba vì bị mẹ kế hãm hại, có một số tùy tùng thân cận vẫn trung thành theo hầu. Một trong số những người ấy là Giới Tử Thôi. Một lần, Tấn Văn Công gặp cơn đói đến ngất đi tưởng chừng sắp chết. Để cứu mạng Tấn Văn Công, Giới Tử Thôi tự tay cắt thịt ở đùi mình và nấu một bát súp nóng dâng cho chủ nhân.
Tấn Văn Công vô cùng cảm kích việc làm của Giới Tử Thôi và hứa sẽ báo đáp ông trong tương lai. Giới Tử Thôi khăng khăng không muốn nhận bất kỳ sự phong thưởng nào, mà chỉ muốn chủ nhân trở thành một vị vua anh minh sáng suốt cho nước nhà.
Sau khi Tấn Văn Công thừa kế ngai vàng, ông đã tưởng thưởng cho nhiều người trung thành với mình nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Một thời gian sau nhớ ra, ông mới cho tìm kiếm người tùy tùng họ Giới nhưng không thấy. Sứ giả về báo rằng Giới Tử Thôi và mẹ đã đi vào sâu trong núi Kim sinh sống.
Vua đích thân đến núi để tìm nhưng Giới Tử Thôi vẫn không gặp. Một cận thần xúi nhà vua đốt núi để ép Giới Tử Thôi phải ra. Nhà vua theo lời cho châm lửa đốt núi. Ngọn lửa cháy trong ba ngày ba đêm nhưng Giới Tử Thôi vẫn không ra.
Lửa tắt, vua và quần thần vào núi tìm thì thấy thi thể Giới Tử Thôi dưới gốc một cây liễu lớn. Bên cạnh thi thể còn một đoạn di cảo viết bằng máu trên mảnh vải đặt bên trong hốc cây. Trên đó viết một bài thơ nhắc lại chuyện hầu hạ nhà vua năm xưa và nói rằng không muốn trở thành một viên quan hầu cận vua mà chỉ muốn nhà vua luôn tự soi xét mình. Tấn Văn Công rất cảm động khóc nấc thành tiếng sau đó cất mảnh di cảo vào túi tay áo và thề sẽ trở thành một vị vua sáng suốt. Phần thi thể Giới Tử Thôi được chôn cất ngay dưới chân cây liễu. Thương Giới Tử Thôi và để tưởng nhớ cái chết của ông, Tấn Văn Công ra lệnh hàng năm đến ngày 3/3 (ngày Giới Tử Thôi chết), thiên hạ không được đốt lửa hay hun khói. Từ đó mà thành ra ngày Tết Hàn Thực (nghĩa là ăn đồ nguội).
Theo các phương tiện truyền thông Trung Quốc, ngày nay người dân nước này đã gộp Tết Hàn Thực vào với Tết Thanh Minh chứ không tổ chức riêng rẽ.
Với Việt Nam, không biết đích xác phong tục Tết Hàn Thực đã du nhập vào nước ta từ bao giờ. Có thể tục này đã truyền vào nước ta từ thời 1000 năm bị phong kiến Trung Quốc đô hộ. Tuy nhiên phong tục này ở nước ta không mang ý nghĩa tưởng nhớ ông Giới Tử Thôi nào cả. Người dân Việt Nam chẳng biết ông Giới Tử Thôi là ai nhưng đến 3/3 thì theo truyền thống nhiều nơi vẫn tổ chức làm bánh trôi bánh chay.
Tác giả Tân Việt trong sách 100 điều cần biết về phong tục Việt Nam nói rằng: “Theo tục lệ cổ truyền, ngày mồng 3 tháng 3 tức Tết Hàn Thực, ta làm bánh chay. Tết này có xuất xứ từ bên Trung Quốc, làm giỗ ông Giới Tử Thôi, một hiền sĩ có công phò Tấn Văn Công, bị chết cháy ở núi Điền Sơn. Cũng như ngày mồng 5 tháng 5 tết Đoan Dương cũng xuất xứ từ bên Trung Quốc làm giỗ ông Khuất Nguyên bị chết trôi ở song Mịch La… Dân ta theo tục đó nhưng khi cúng chỉ cúng gia tiên nhà mình, chẳng nhắc gì tới ông Giới Tử Thôi hay Khuất Nguyên nữa”.
Tục lệ cúng tết Hàn thực của người Việt không kiêng lửa?
Do sự giao thoa văn hóa, nên khi du nhập sang Việt Nam ngày tết Hàn thực dường như đã có những đổi khác nhất định. Ở nước ta không mang ý nghĩa tưởng nhớ ông Giới Tử Thôi. Vào ngày này người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường. Điều đặc biệt, người Việt còn sáng tạo nên bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng đó là những thức ăn nguội - hàn thực.
Tết Hàn thực của người Việt chủ yếu mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất.