Trạm vũ trụ ISS hoạt động như thế nào? Và anh hùng Phạm Tuân là ai?

Trạm vũ trụ mà chúng ta thường được nghe tới nhiều nhất là ISS (International Space Station - Trạm vũ trụ quốc tế). Và quá trình xây dựng của ISS cũng rất "quốc tế": được dựng nên từ nỗ lực của 16 quốc gia và từng đón nhận công dân của 22 quốc gia. Tuy nhiên ISS không phải là trạm vũ trụ duy nhất từng được dựng lên. Tính đến thời điểm hiện tại đã có ít nhất 10 trạm vũ trụ, phần lớn của Liên Xô cũ từng được đưa vào sử dụng. Về cơ bản, trạm vũ trụ cũng chỉ là 1 "tàu mẹ" với diện tích lớn, đảm bảo cho việc sinh hoạt và nghiên cứu của các nhà du hành trong thời gian dài, đồng thời cho phép các tàu con thoi kết nối với trạm để vận chuyển hàng hóa và người qua lại giữa mặt đất với trạm. Và trái với các Tàu con thoi vốn có nhiệm vụ đưa người lên không gian và quay trở về như những chiếc máy bay, các trạm vũ trụ được phóng lên không gian từng phần 1, lắp ghép lại và sẽ được phá hủy hoặc bỏ hoang ngay trên không gian sau khi hết nhiệm vụ.

Các trạm vũ trụ chính là nơi mà cuộc sống trong điều kiện không trọng lực của con người được nghiên cứu tỉ mỉ và chi tiết nhất. Để có thể vươn tới những hành tinh xa hơn mặt trăng trong những chuyến bay kéo dài hàng tháng, thậm chí là nhiều năm thì phản ứng của con người trong môi trường khép kín, bị cách ly với xã hội và không trọng lực cần phải được nghiên cứu thấu đáo cả về sinh lý lẫn tâm lý. Những trạm vũ trụ như ISS chính là nơi để người ta thực hiện những nghiên cứu và quan sát ấy cùng với các nghiên cứu khoa học khác trong môi trường không trọng lực như sinh học, hóa học v...v... Năm 1980, khi anh hùng Phạm Tuân công dân Việt Nam đầu tiên bay lên vũ trụ cùng với các chuyên gia của Liên Xô, ông đã dành ra toàn bộ thời gian 7 ngày 21 tiếng trên vũ trụ để thực hiện 2 nghiên cứu khoa học mang tính tượng trưng là hòa tan khoáng và trồng bèo hoa dâu trong điều kiện không trọng lực.

Share this

Related Posts

Previous
Next Post »