Nhiều người mong chờ đăng ký các cuộc thi chạy để mong được giảm cân. Tuy nhiên, tập luyện để giảm béo và tập luyện để tham gia các cuộc thi chạy đường dài rất khác nhau.
Để tập luyện cho giải chạy marathon thành công, bạn cần huấn luyện cho cơ thể hoạt động hiệu quả khi chạy sao cho hoàn thành 42km mà sử dụng ít năng lượng nhất có thể. Trong khi đó, để tập luyện cho giảm cân, bạn phải dạy cơ thể đốt nhiều năng lượng calories nhất có thể. Những ngộ nhận sau đây sẽ cho bạn biết vì sao bạn chạy đều mà vẫn không giảm cân.
Chạy dài để giảm cân
Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí American Journal of Physiology, chạy bộ trong thời gian ngắn thực tế có hiệu quả giảm cân hơn so với chạy dài và chậm. Một buổi tập 30 phút có kết quả tốt hơn buổi tập 60 phút nếu chú trọng vào cường độ hay độ khó của buổi tập chạy. Khi chạy tốc độ, cơ thể cần cung cấp thêm năng lượng buộc nó phải làm việc nhiều hơn và đốt calories nhiều hơn.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu chỉ ra rằng tập luyện với cường độ cao ngắt quãng (HIIT) có tác dụng giảm cân hơn nhiều so với các bài tập với cường độ đều đều ở mức ổn định vừa phải.
Gợi ý: Để giảm cân, bạn có thể giảm thời gian tập chạy của bạn và tăng cường độ tập luyện bằng cách chạy interval. Ví dụ: bạn chạy trên phố hay trong công viên, tìm một mục tiêu bất kỳ có thể là cái cây hay cột điện, chạy với tốc độ nhanh đến điểm đó, xong rồi đi bộ. Tiếp tục lặp lại với mục tiêu kế tiếp.
Nhịn ăn sau khi chạy
Nhiều người nhịn ăn sau khi chạy xong trong nỗ lực giảm calories được chút nào hay chút ấy. Đây là lỗi thường gặp. Sau buổi tập chạy, cơ thể bạn cần tiếp năng lượng. Nghiên cứu chỉ ra rằng nạp carb và protein với tỷ lệ 2-1 sau buổi tập chạy sẽ giúp bổ sung lượng glycogen và protein vào cơ, giúp cơ thể hồi phục.
Nếu bạn không nạp, phần cơ hỏng trong quá trình chạy của bạn có thể không được sửa đúng cách. Do đó, bạn khó có thể tập chạy tốt hơn ở các buổi tập sau đó bởi vì các cơ không được hoàn toàn hồi phục 100% từ buổi tập trước. Quá trình này nếu kéo dài sẽ khiến cơ thể bạn ngày càng tệ đi. Cơ thể của bạn cần phải được thử thách theo nhiều cách để có thể giảm cân bằng các bài tập khác nhau chứ không phải bằng cách nhịn ăn sau khi tập.
Gợi ý: Ăn snack 200 calories có cả carb và protein trong 30 phút đến 1 giờ sau buổi tập chạy. Ví dụ: Một ly sinh tố được làm từ sữa hạnh nhân, một quả chuối và một thìa bột whey protein.
Tập chạy không có ngày nghỉ
Sẽ thật sai lầm nếu bạn nghĩ rằng chạy cả tuần, cả tháng mà không cần ngày nghỉ sẽ tốt cho cơ thể và có thể giảm cân. Kết quả đạt được trong quá trình cơ thể bạn hồi phục từ buổi tập chạy chứ không phải chính buổi tập chạy đó.
Dù cho bạn chạy cho vui hay tập luyện tham gia giải marathon, bạn phải có ngày nghỉ trong kế hoạch tập chạy của bạn. Nếu bạn không nghỉ ngơi, bạn rất khó để đạt được kết quả tốt nhất. Mỗi tuần, bạn nên dành ít nhất 1 ngày nghỉ để cơ thể bạn hồi phục.
Gợi ý: Không thực hiện các bài tập nặng, chỉ tập giãn cơ nhẹ nhàng trong ngày nghỉ. Ăn thực phẩm có chất chống oxy hóa: ớt chuông, đậu, hoa quả, rau xanh. Ngủ đủ ít nhất 7 giờ đồng hồ.
Chạy bộ ròng rã hàng tháng, hàng năm
Bạn dĩ nhiên hoàn toàn có thể tự hào bởi mình đã chạy bộ liên tục trong một thời gian dài, có thể hàng tháng, thậm chí hàng năm. Tuy nhiên, khi cơ thể giảm cân, nó cũng phải điều chỉnh. Khi mới bắt đầu tập chạy được km đầu tiên, bạn có thể đốt cháy được 100 calories. Nhưng những lần sau đó với cường độ tập như vậy, số calories mà bạn đốt được sẽ thấp hơn bởi vì cơ thể bạn là một cỗ máy thông minh, có khả năng điều chỉnh trong điều kiện mới.
Một nghiên cứu của trường ĐH West Virginia so sánh quá trình tập luyện aerobic (bài tập cường độ thấp vừa phải) với tập luyện cường độ cao thấy rằng ở nhóm tập luyện cường độ cao, cơ chế trao đổi chất được thúc đẩy tốt hơn so với nhóm tập luyện với cường độ thấp.
Bên cạnh việc xây dựng cơ, các bài tập tăng cường sức mạnh còn tăng cường cơ chế trao đổi chất trong 24 giờ đến 48 giờ sau buổi tập luyện. Do vậy, nó giúp bạn đốt calories thậm chí ngay cả lúc bạn không có ở trong phòng gym nữa.
Gợi ý: Để cơ thể đốt nhiều calories hơn, bạn phải liên tục thay đổi các nội dung tập chạy và tập bổ trợ. Hãy dành 2 đến 3 ngày mỗi tuần để tập bổ trợ: tập với tạ, các bài tập interval (cường độ cao ngắt quãng) để tăng cường sức mạnh, chơi các môn khác như bơi, đạp xe…