Đỉnh Everest có hai đường leo lên chính, đường leo phía đông nam từ Nepal và đường leo đông bắc từ Tây Tạng, cũng như là 13 các đường leo ít thông dụng khác. Trong hai con đường chính, sườn núi phía đông nam dễ hơn về mặt kỹ thuật và do vậy là đường leo được sử dụng thường xuyên hơn. Đó là đường leo lên được sử dụng bởi Edmund Hillary và Tenzing Norgay vào năm 1953. Tuy nhiên quyết định chọn con đường này là do hoàn cảnh chính trị hơn là chủ ý bởi biên giới Tây Tạng đã bị đóng lại đối với người nước ngoài vào năm 1949.
Hầu hết các cố gắng xảy ra trong tháng 4 hay tháng 5 trước khi mùa mưa (monsoon) trong mùa hè. Một thay đổi trong dòng khí (jet stream) vào thời điểm này trong năm cũng làm giảm tốc độ gió trung bình trên đỉnh núi cao. Trong khi một số cố gắng xảy ra sau mùa monsoon vào tháng 9 và tháng 10, những tuyết dồn thêm vào sau mùa mưa làm việc trèo lên còn khó khăn hơn.
-----------------
Dãy phía nam
-----------------
Đường leo lên qua sườn núi phía đông nam bắt đầu với một con đường mòn tại Trại Nền (Base Camp) ở độ cao 5.380 m (17.600 ft) về phía nam của Everest ở Nepal. Các đoàn thám hiểm thường bay vào Lukla (2.860 m) từ Kathmandu và đi xuyên qua Namche Bazaar. Những nhà leo núi sau đó đi bộ lên Trại Nền, thường mất sáu đến tám ngày, cho phép đủ thời gian để làm quen với khí hậu độ cao và ngăn chặn chứng say độ cao. Các phương tiện leo núi và đồ tiếp tế được chuyên chở bởi yak, dzopkyos và phu khuân vác lên Trại Nền trên Khumbu Glacier. Khi Hillary và Tenzing leo lên đỉnh Everest vào năm 1953, họ bắt đầu từ thung lũng Kathmandu, bởi vì không có đường nào xa hơn về phía đông vào lúc đó.
Những nhà leo núi sẽ nghỉ lại một vài tuần ở Trại Nền, làm quen với độ cao. Trong suốt thời gian đó, những người Sherpa và một số nhà leo núi trong đoàn thám hiểm sẽ thiết lập dây và thang leo trên thác băng Khumbu hiểm trở. Serac, các kẽ nứt trong băng và các khối băng trượt làm thác băng này là một trong những đoạn nguy hiểm nhất của con đường lên đỉnh. Nhiều nhà leo núi và người Sherpa đã tử nạn ở đoạn này. Để làm giảm bớt nguy hiểm, những nhà leo núi thường bắt đầu leo trước bình minh. Một khi ánh nắng mặt trời đạt đến thác băng, sự hiểm nguy tăng lên đáng kể. Phía trên thác băng là Trại I (hay Advanced Base Camp - ABC) tại độ cao 6.065 m (19.900 ft).
Từ Trại I, những nhà leo núi tiếp tục leo lên dọc theo Western Cwm để đến nền của mặt Lhotse, nơi Trại II được thiết lập ở độ cao 6.500 m (21.300 ft). Western Cwm là một thung lũng đóng băng tương đối bằng phẳng chỉ hơi nâng lên cao, được đánh dấu bằng một kẽ nứt khổng lồ cạnh bên trung tâm làm ngăn đường đi lên trực tiếp lên phần phía trên của Cwm. Những nhà leo núi bắt buộc phải đi băng ngang qua ở phía rìa phải gần nền của Nuptse đến một đoạn đường đèo nhỏ được biết đến như là "góc Nuptse". Western Cwm cũng còn được gọi là "Thung lũng im lặng" bởi vì địa hình của khu vực nói chung là chắn gió từ con đường leo lên. Với độ cao và một ngày trong không có gió có thể làm Western Cwm nóng vượt sức chịu đựng của những người leo núi.
Từ Trại II, các nhà leo núi đi lên theo mặt Lhotse trên những sợi dây cố định đến một mỏm nhỏ ở độ cao 7.470 m (24.500 ft). Từ nơi đó, leo thêm 500 mét nữa là đến Trại IV trên South Col ở độ cao 7.920 m (26.000 ft). Từ Trại III đến Trại IV, các nhà leo núi phải đối mặt với thêm hai thử thách nữa: Gót Geneva và Dải Vàng (Yellow Band). Gót Geneva là một sườn đá đen có hình dạng cái đe được đặt tên bởi một đoàn thám hiểm Thụy Sỹ vào năm 1952. Các sợi dây cố định giúp các nhà leo núi trong việc trèo lên dải đá đầy tuyết phủ này. Dải Vàng là một phần của đá cát trầm tích cũng cần đến 100 m dây để vượt qua nó.
Trên South Col, các nhà leo núi bước vào vùng chết. Những nhà leo núi thường chỉ có tối đa là hai đến ba ngày để họ có thể chịu đựng được độ cao này trước khi trèo lên đỉnh. Thời tiết trong và ít gió là những yếu tố quan trọng trong việc quyết định là có nên cố gắng trèo lên đỉnh hay không. Nếu thời tiết không hợp tác trong vài ngày ngắn ngủi này, những nhà leo núi bắt buộc phải leo xuống, nhiều người quay lại đến Trạm Nền.
Từ Trại IV, những nhà leo núi sẽ bắt đầu cú leo lên đỉnh vào khoảng nửa đêm với những hy vọng đạt lên tới đỉnh (vẫn còn thêm 1.000 mét nữa phía trên) trong vòng từ 10 đến 12 giờ. Những nhà leo núi sẽ đạt đến đầu tiên là "The Balcony" ở độ cao 8.400 m (27.700 ft), một thềm nhỏ nơi họ có thể nghỉ ngơi và ngắm nhìn những đỉnh núi về phia nam và phía đông trong ánh sáng sớm của bình minh. Tiếp tục len lên sườn núi, các nhà leo núi sẽ đối diện với một dãy các bậc đá với cấu trúc thường là buộc họ về phía đông vào sâu trong tuyết đến thắt lưng, với nguy hiểm về các vụ sạt lở. Ở độ cao 8.750 m (28.700 ft), một vòm băng tuyết nhỏ cỡ bằng cái bàn đánh dấu Đỉnh phía Nam (South Summit).
Từ Đỉnh phía Nam, các nhà leo núi đi theo một cạnh như lưỡi dao ở sườn đông nam dọc theo vùng được biết đến như "đường Cornice" (Cornice traverse) nơi mà tuyết xen lẫn với đá. Đây là một đoạn trống trải lộ thiên nhất của đường leo và một bước sẩy chân về phía trái sẽ đưa người leo 2.400 m (8.000 ft) xuống mặt đông nam trong khi ngay phía phải là mặt Kangshung cao 3.050 m (10.000 ft). Tại điểm cuối của con đường này là một thành đá cao 12 m (40 ft) được gọi là "Bậc Hillary" ở độ cao 8.760 m (28.750 ft). Hillary và Tenzing là những nhà leo núi đầu tiên leo lên bậc đá này và họ đã leo lên với những phương tiện thô sơ cho việc trèo lên băng và không có những sợi dây cố định. Ngày nay, những nhà leo núi sẽ leo lên bậc này sử dụng dây cố định sẵn được thiết lập trước bởi những người Sherpa. Một khi đã ở trên bậc, tương đối là đơn giản để leo lên đỉnh có những sườn tuyết không dốc lắm - mặc dù điều kiện lộ thiên trên sườn núi rất khắc nghiệt khi đi qua một vùng tuyết phủ rộng lớn. Sau Bậc Hilary, các nhà leo núi cũng phải đi qua một đoạn đầy đá dễ sụt lở và có một đống dây lớn có thể trở nên rối rắm trong thời tiết xấu. Những nhà leo núi thường trải qua ít hơn nửa giờ trên "nóc nhà của thế giới" khi họ nhận ra sự cần thiết của việc hạ xuống Trại IV trước khi trời tối hay thời tiết buổi chiều trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
------------------
Dãy phía bắc
------------------
Đường lên theo sườn núi phía đông bắc bắt đầu từ phía bắc của Everest ở Tây Tạng. Các đoàn thám hiểm leo lên đến Tảng băng Rongbukr, thiết lập Trại Nền ở độ cao 5.180 m (17.000 ft) trên một mặt bằng đá sỏi ngay bên dưới tảng băng. Để đạt đến Trạm II, các nhà leo núi leo lên dọc theo một đường đất chính giữa phía đông của tảng băng Rongbuk đến nền của Changtse ở độ cao khoảng 6.100 m (20.000 ft). Trại III (ABC) tọa lạc bên dưới North Col ở độ cao 6.500 m (21.300 ft). Để đạt đến Trại IV trên cột phía bắc, các nhà leo núi leo lên theo tảng băng đến chân cột nơi các sợi dây cố định được sử dụng để đạt tới North Col ở độ cao 7.010 m (23.000 ft). Từ North Col, các nhà leo núi leo lên sườn núi đá phía bắc để thiết lập Trại V ở độ cao vào khoảng 7.775 m (25.500 ft). Con đường đi lên mặt phía bắc thông qua một dãy các dốc và cạnh sắc như lưỡi dao vào vùng bằng phẳng hơi dốc xuống trước khi đạt đến địa điểm của Trại VI ở độ cao 8.230 m (27.000 ft). Từ Trại VI, các nhà leo núi sẽ leo lên đoạn cuối cùng. Các nhà leo núi phải vượt qua ba dãy đá gọi là Bậc thứ 1, Bậc thứ 2 và Bậc thứ 3. Một khi đã vượt qua những bậc này, là những dốc cuối cùng (khoảng 50 đến 60 độ) để lên tận đỉnh núi.